Trần Long 01/01/2023 08:56

Doanh nghiệp xuất khẩu tự tin bước vào năm 2023

(Chinhphu.vn) - Bộ Công Thương cho biết, dự kiến cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu tăng khoảng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao, tăng 8%. Trong kết quả xuất nhập khẩu này, có nhiều ngành hàng bước vào các “câu lạc bộ tỷ USD và chục tỷ USD”.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, sau 3 năm chịu ảnh hưởng tác động của đại dịch COVID-19, đã giúp ngành xuất nhập khẩu Việt Nam rút ra một số bài học trong việc điều hành quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp ứng phó với các biến động của thị trường, tình hình chung của kinh tế thế giới.

Doanh nghiệp xuất khẩu tự tin bước vào năm 2023 - Ảnh 1.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương.

"Hiện nay chúng ta đang có thuận lợi rất lớn đó là đà tăng trưởng xuất nhập khẩu rất thuận lợi của năm 2023 và sự phát huy của các Hiệp định Thương mại tự do đang có tác động tốt cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hiện nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam một phần là sự chuyển dịch đầu tư từ các thị trường khác cũng là thuận lợi giúp cho các doanh nghiệp giữ được đà tăng trưởng xuất, nhập khẩu. Tuy nhiên, tác động bối cảnh hiện nay cũng khiến cho một số nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đây là lúc để doanh nghiệp chúng ta nhìn lại để thúc đẩy tái cơ cấu. Bên cạnh việc gia tăng số lượng cũng cần chú trọng việc đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu mới của thị trường có thể phát sinh trong thời gian tới. Mặt khác, đây còn là sức ép để doanh nghiệp tìm cách đa dạng hóa thị trường, tìm đến các thị trường mới tiềm năng hơn."

Đánh giá về xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2022 và triển vọng bối cảnh năm 2023, cùng với những ưu thế các FTA mang lại, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, trong quý IV năm 2022, do tác động của tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU có những biến động lớn đã tác động đến tình hình tiêu dùng trong nước dẫn đến mức độ sụt giảm khoảng 30%-50%. Tuy nhiên, trong cả năm 2022, toàn ngành da giày đạt khoảng 27 tỷ đô la xuất khẩu, tăng trưởng hơn 30%, vượt kế hoạch đặt ra. Để xúc tiến thương mại cũng như đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong năm 2023, bà Xuân cho rằng, cần đẩy mạnh 3 chính sách sau.

Chính sách thứ nhất, chúng tôi muốn kiến nghị nhà nước hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành da dày tiếp tục duy trì lực lượng lao động, thông qua các hình thức đào tạo để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, triển khai các đơn hàng khi phục hồi trở lại.

Chính sách thứ hai, chúng tôi  kiến nghị hỗ trợ các hoạt động để đầu tư vào công nghiệp phát triển hỗ trợ, đặc biệt là những dòng sản phẩm có chất lượng giá trị cao như các mặt hàng da thuộc, giả da. Chúng ta cần các khu công nghiệp để thu hút đầu tư phát triển.

Chính sách thứ ba, áp dụng chuyển đổi số là một trong những giải pháp để giúp nâng cao chất lượng quản lý, tiết giảm chi phí, đây là một trong những việc nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chúng ta thấy hiện nay rất là yếu và thiếu thì vấn đề về hỗ trợ cung cấp thông tin và quảng bá hình ảnh của ngành và thu hút các thương hiệu, nhãn hàng quốc tế lớn tiếp tục gia công sản xuất tại Việt Nam là rất quan trọng.

Theo Bộ Công Thương, năm 2023 để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, đơn vị sẽ triển khai các đề án, hoạt động xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường sớm khôi phục giai đoạn hậu COVID-19, đặc biệt khai thác các thị trường, khu vực hiện đang có FTA với Việt Nam. Lựa chọn nhóm hàng, mặt hàng có thế mạnh, tiềm năng xuất khẩu, ưu tiên nguồn lực đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng kế hoạch lộ trình theo chuỗi, có tính dài hạn và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, hiệp hội, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương, hiệp hội thực hiện có chất lượng, hiệu quả Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.  

Từ ngày
- đến ngày