Thái Sơn 03/04/2024 12:04

Doanh nghiệp cần tham gia sâu vào đào tạo nghề cho người lao động

(Chinhphu.vn) - Các chương trình đào tạo ngắn hạn, trực tiếp tại doanh nghiệp được coi là một trong những giải pháp tối ưu để giải quyết vấn đề thiếu hụt kỹ năng của lao động.

Việc nâng kỹ năng của lao động phụ thuộc vào công tác đào tạo nhưng sự thay đổi chương trình đào tạo chính quy tại các cơ sở thì luôn có độ trễ so với nhu cầu thị trường lao động. Chính vì vậy, các chương trình đào tạo ngắn hạn, trực tiếp tại doanh nghiệp được coi là một trong những giải pháp tối ưu để giải quyết vấn đề thiếu hụt kỹ năng của lao động. Theo ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, hiện đã có rất nhiều chủ trương, chính sách về vấn đề gắn kết doanh nghiệp, trách nhiệm của doanh nghiệp trong đào tạo nghề.

"Luật Giáo dục nghề nghiệp khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, các tổ chức vào công tác đào tạo. Hay, Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp cũng đề cập đến việc gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động. Luật Thuế cũng có quy định các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp khi tham gia vào quá trình đào đạo. Những phần doanh nghiệp bỏ ra để đào tạo nghề thì được miễn vào thuế thu nhập của doanh nghiệp. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có chính sách hỗ trợ về khởi nghiệp, đào tạo kỹ năng cho người lao động trong doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đã được quy định rõ…".

Doanh nghiệp cần tham gia sâu vào đào tạo nghề cho người lao động- Ảnh 1.

Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH

Chúng ta đã có đầy đủ các chính sách, quy định, nhưng việc thực thi vẫn còn hạn chế. Theo thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, 100% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện đã có những hoạt động hợp tác ký kết với doanh nghiệp để tham gia đào tạo nghề. Tuy nhiên, theo đánh giá, doanh nghiệp hiện vẫn chưa tham gia sâu vào quá trình này.

"Thực sự để xây dựng và nhân rộng các mô hình gắn kết giữa đào tạo với doanh nghiệp và hỗ trợ theo đặt hàng của doanh nghiệp thì đa phần các trường mới ở hình thức bề ngoài, theo kiểu đưa sinh viên đến thực tập hoặc chỉ mới dừng ở việc tuyển dụng lao động, chứ rất ít doanh nghiệp tham gia ngay từ đầu trong quá trình đào tạo lao động. Khi doanh nghiệp không tham gia, không đặt hàng thì nhà trường cũng không biết đào tạo như thế nào cho phù hợp và doanh nghiệp, khi không sử dụng được thì doanh nghiệp kêu không đáp ứng được và phải đào tạo lại. Rõ ràng đây là câu chuyện dùng nhưng vẫn kêu."

Để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, thúc đẩy sự tham gia sâu của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: Xây dựng chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Chỉ thị 21 năm 2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; thành lập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong doanh nghiệp; đẩy mạnh hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp khi họ muốn tham gia đào tạo nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp như phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế hay các tổ chức của Úc để hình thành một số Hội đồng kỹ năng nghề, dự kiến sẽ đưa vào trong Luật Việc làm (sửa đổi); triển khai một số mô hình đào tạo kép của Đức, hay mô hình Kosen của Nhật.

Theo nhiều chuyên gia, để nâng cao chất lượng, kỹ năng lao động, doanh nghiệp phải là người quan trọng nhất trong việc đầu tư phát triển dạy nghề, phải đóng vai trò lớn hơn nhiều so với thực tế hiện nay; phải là một chủ thể trong quá trình đào tạo chứ không phải chỉ là người đứng ngoài, đặt hàng ở đầu ra của các trường.

Từ ngày
- đến ngày