Download on the
App Store
(Chinhphu.vn) - Theo ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường ( Bộ Tài nguyên và Môi trường), hệ thống giao thông hiện tại của Việt Nam đang bộc lộ nhiều bất cập.
Cụ thể, phần lớn các phương tiện giao thông không được sử dụng hiệu quả. Một chiếc ô tô năm chỗ trung bình chỉ chở 1,4 đến 1,5 người. Điều này có nghĩa là hầu hết chúng ta đi một mình hoặc chỉ thêm một người khác trên xe. Đây là một sự lãng phí lớn. Ngoài ra, tình trạng xe tải chạy rỗng trong quá trình vận chuyển cũng đang góp phần gia tăng lượng khí thải và tiêu tốn nhiên liệu không cần thiết. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách về việc tối ưu hóa hệ thống giao thông đô thị.
Ông Nguyễn Đình Thọ: Một trong những giải pháp là áp dụng công nghệ số để cải thiện hiệu quả vận tải. Thứ nhất, thúc đẩy việc đi chung xe để giảm số lượng phương tiện cá nhân lưu thông. Thứ hai, khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông công cộng nhằm giảm tải giao thông và bảo vệ môi trường. Thứ ba, tận dụng tối đa không gian trống trên xe tải, đồng thời hạn chế tình trạng xe tải chạy rỗng.
Lưu ý, xe điện được xem là một giải pháp quan trọng để giảm phát thải và hướng tới nền kinh tế carbon thấp. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Thọ việc sử dụng xe điện cần được tích hợp vào chuỗi sản xuất và tiêu dùng bền vững. Nếu không giải quyết tốt vấn đề này, việc chuyển đổi sang xe điện có thể không mang lại hiệu quả giảm phát thải như mong đợi.
Ông Nguyễn Đình Thọ: Xe điện cần sử dụng năng lượng tái tạo thay vì năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch. Các phương tiện và pin xe điện cần được tái chế và tái sử dụng sau khi hết vòng đời.
Trong khi việc chuyển đổi từ động cơ xăng dầu sang xe điện đang là xu hướng tất yếu, ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng đây chỉ là một phần của bài toán lớn. Theo ông Đặng Huy Đông, nếu trên đường phố vẫn có hàng triệu ô tô điện và hàng chục triệu xe máy điện lưu thông, thì tình trạng tắc đường vẫn không được giải quyết. Thêm vào đó, những phương tiện này sẽ tạo áp lực lớn lên hệ thống cung cấp điện, đặc biệt nếu nguồn điện không đến từ năng lượng tái tạo.
Ông Đặng Huy Đông: Để giảm phát thải một cách triệt để, giao thông công cộng cần trở thành phương thức vận tải chính trong đô thị. Theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị, nếu đến năm 2035 hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM có thể hoàn thành 500 km hệ thống metro, hệ thống này sẽ thay thế cho hàng triệu ô tô và hàng chục triệu xe máy cá nhân. Điều này không chỉ giảm đáng kể lượng phát thải mà còn cải thiện đáng kể chất lượng môi trường sống tại đô thị.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng giảm phát thải giao thông không chỉ là vấn đề công nghệ hay hạ tầng, mà còn liên quan mật thiết đến ý thức và thói quen của mỗi cá nhân. Một hệ thống giao thông hiện đại chỉ có thể đạt hiệu quả khi được sử dụng một cách hợp lý và bền vững. Việc phát triển các phương tiện công cộng như metro, xe buýt nhanh hay xe buýt sạch sử dụng năng lượng tái tạo cần đi kèm với chiến lược thay đổi hành vi người dân. Các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về việc sử dụng giao thông công cộng và chia sẻ phương tiện cá nhân sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu này.