Download on the
App Store
(Chinhphu.vn) - Thời điểm này, số ca mắc COVID-19 trên cả nước giảm mạnh, theo các chuyên gia y tế, Việt Nam đã đạt được miễn dịch cộng đồng, do tỷ lệ bao phủ vaccine cao, lượng người từng mắc bệnh lớn. Tuy nhiên, nhiều người dân đang có tâm lý chủ quan với dịch vì cho rằng bản thân đã có miễn dịch nên ngại tiêm mũi nhắc lại (mũi 3 hoặc 4).
Điều này dẫn đến tiến độ tiêm chủng ở nhiều địa phương còn chậm, một số nơi từ chối nhận hoặc đề nghị trả lại vaccine đã được phân bổ trước đó.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế, hiện nay vẫn cần tiêm vaccine nhắc lại để hạn chế các ca mắc mới hoặc tái nhiễm, tiếp tục duy trì miễn dịch cộng đồng. Đặc biệt cần đẩy mạnh tiêm cho người lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất để đảm bảo sản xuất; tiêm cho trẻ em để an toàn cho năm học mới.
Đặc biệt, PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng, việc xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 hoàn toàn có thể, thậm chí có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương, do đó rất khó trong dự báo dịch. Vì vậy, vaccine tiếp tục được xem là "vũ khí chiến lược" quyết định nền tảng trong phòng chống Covid-19.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế
Thời gian tới, để tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của biến chủng mới. Bộ Y tế đã lên kế hoạch thường xuyên trao đổi với WHO để cập nhật thông tin kịp thời chính xác về các biến chủng. Đồng thời xây dựng, tuyên truyền, nêu cao ý thức người dân về việc tiêm vaccine đúng liều, đúng hạn để bảo đảm an toàn cho chính mình và cộng đồng, tránh nguy cơ bùng phát dịch.