Thái Sơn 01/04/2024 21:09

Đã dự phòng nhiều hơn 1 tỷ số điện so với cùng kỳ năm 2023

(Chinhphu.vn) - 2024 được dự báo là năm nắng nóng cao độ do ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino, lượng nước về các hồ thủy điện cũng sẽ thấp hơn năm 2023. Yếu tố trên cộng với sự hồi phục của nền kinh tế đang khiến nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao.

Riêng trong 3 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng điện thương phẩm đã tăng trên 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, với diễn biến thất thường của thời tiết thì chúng ta phải tính đến kịch bản khoảng giữa tháng 7 mới có mưa, kéo dài hơn các năm trước. Đây là áp lực rất lớn để thực hiện mục tiêu vừa bảo đảm điện cho phát triển kinh tế xã hội nhưng vẫn phải bảo đảm tích nước phục vụ nông nghiệp và đời sống người dân. Chính vì vậy, từ đầu năm đến nay, ngành điện tập trung huy động rất lớn các nhà máy nhiệt điện, do đây là nguồn điện có thể chủ động được.

"So với cùng kỳ năm 2023, về điện than đã huy động cao hơn là 45%. Đối với năng lượng tái tạo thì huy động nhiều hơn 14,1%. Đặc biệt, thành phần điện gió trong 2 tháng đầu năm, do đúng mùa gió tốt nên các nhà máy điện gió huy động cao hơn năm 2023 là 25%. Điện mặt trời thì cũng được huy động cao hơn năm ngoái là 19%. Chúng tôi tập đang trung vào những nguồn điện mà chúng ta có để giữ nước. Đây là bức tranh vận hành điện trong những tháng hạn hán đầu năm 2024 này".

Đã dự phòng nhiều hơn 1 tỷ số điện so với cùng kỳ năm 2023- Ảnh 1.

Hiện nay, lượng nước dự trữ trong các hồ của nhà máy thủy điện Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình...đã đủ cung cấp nguồn năng lượng cho hệ thống điện quốc gia.

Chia sẻ về các phương án huy động nguồn, kế hoạch vận hành hệ thống bảo đảm cung cấp đủ điện, ổn định, an toàn và tin cậy trong thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho biết.

"Về khâu nguồn điện thì chúng tôi đã để dành nước trong các hồ thủy điện. Mặc dù các hồ thủy điện khu vực miền Bắc và miền Nam bị suy giảm lưu lượng nước về thấp hơn năm 2023 do hiện tượng El Nino. Nhưng đến thời điểm hiện nay thì chúng tôi đã để dành nước ở trong các hồ thủy điện, đặc biệt các nhà máy thủy điện như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình hơn 1 tỷ số điện so với năm 2023. Với 1 tỷ số điện này thì có thể yên tâm cung cấp nguồn năng lượng cho hệ thống điện quốc gia.

Đối với các nhà máy nhiệt điện thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã chỉ đạo rất sát sao để bảo đảm việc duy trì vận hành ổn định, an toàn và không để xảy ra sự cố.

Đối với đường dây truyền tải thì chúng tôi cũng đang có những biện pháp để nâng dòng truyền tải tối đa, đặc biệt từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc. Miền Bắc thì cũng đang bị nghẽn mạch đường dây 500Kv. Hiện nay, Chính phủ đã có chỉ đạo từ rất sớm là sẽ đưa đường dây 500Kv mạch 3 vào càng sớm càng tốt, hạn là trong tháng 6 năm 2024 phải hoàn thành. Điều này hy vọng sẽ bổ sung được nguồn năng lượng cho hệ thống điện quốc gia".

Song song các giải pháp đang được ngành điện triển khai thì việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả vẫn được xem là giải pháp căn cơ để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia cũng như sự phát triển ổn định của nền kinh tế. Điều này mang lại rất nhiều lợi ích như: khách hàng giảm được tiền điện thanh toán hằng tháng; giảm chi phí đầu tư hệ thống điện để dành nguồn lực cho các hạ tầng khác; giảm áp lực tăng giá điện; giảm việc phải huy động các nguồn năng lượng hóa thạch gây phát thải carbon, góp phần phát triển bền vững…

Từ ngày
- đến ngày