Thái Sơn 04/10/2024 10:55

CPTPP: Hóa giải thách thức, gia tăng giá trị xuất khẩu hàng dệt may

(Chinhphu.vn) - Hiệp định CPTPP sau 5 năm có hiệu lực đã mang lại nhiều lợi ích tích cực cho Việt Nam, đặc biệt là sự tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa mạnh mẽ.

Một trong những ngành đang hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định này là dệt may. Đây là ngành hàng xuất khẩu chủ lực, ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ nhất, khoảng trên 50%. Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2024, hàng dệt may đã xuất khẩu khoảng 32 tỷ USD trên toàn cầu; riêng thị trường khối CPTPP đã chiếm khoảng 16%.

"Hiệp định đã định hình ra một thị trường có tính toàn cầu. Sau khi có hiệp định, ngành dệt may Việt Nam đã bắt đầu thâm nhập vào một số thị trường trong khối CPTPP, đặc biệt là thị trường các nước trong khối Nam Mỹ, Canada, New Zealand, Mexico, những thị trường trước đây chúng tôi gặp khó khăn. Nhưng sau khi hiệp định thương mại có hiệu lực, chúng tôi đã đột phá vào những thị trường này và có tăng trưởng cực kỳ tốt".

CPTPP: Hóa giải thách thức, gia tăng giá trị xuất khẩu hàng dệt may- Ảnh 1.

8 tháng đầu năm 2024, hàng dệt may đã xuất khẩu khoảng 32 tỷ USD trên toàn cầu; riêng thị trường khối CPTPP đã chiếm khoảng 16%.

Việc tham gia CPTPP đồng nghĩa với việc cạnh tranh diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước tham gia Hiệp định mà ngay tại thị trường trong nước trên cả ba cấp độ: Sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia. Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương đưa ra các khuyến nghị.

"Thứ nhất là chúng ta cũng nên nghiên cứu xây dựng, hợp tác chuyên sâu theo lĩnh vực, giúp tăng cường hơn nữa hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và các nước. Thứ hai là chúng ta nên trao đổi, xác định ra những vấn đề mà chúng ta cùng quan tâm và tạo ra những kênh song phương trao đổi. Không nhất thiết phải cứ có cuộc họp CPTPP thì chúng ta mới bàn. Thứ ba là hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương phối hợp các bộ ngành, hiệp hội, các tỉnh thành để xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA. Mục tiêu là muốn kết nối các chủ thể, không chỉ trong chuỗi giá trị của một sản phẩm mà kể cả những chủ thể ngoài giá trị của các sản phẩm. Và không chỉ kết nối các doanh nghiệp, các chủ thể ở Việt Nam mà kết nối với các doanh nghiệp, các chủ thể ở các thị trường nước ngoài. Có kết nối như vậy thì sẽ bảo đảm được hiệu quả gia tăng giá trị từ CPTPP".

Ngoài ra, theo ông Ngô Chung Khanh, trên tinh thần vướng ở đâu chúng ta xử lý ở đó, đối với những mặt hàng xuất khẩu chiến lược nhưng thị phần còn khiêm tốn thì phải tập trung xác định ra những doanh nghiệp nào cần sự ưu tiên và những lĩnh vực nào cần thúc đẩy. Từ đó, chúng ta sẽ xây dựng các chính sách, các mục tiêu trọng điểm để hỗ trợ việc xuất khẩu được thuận lợi. 

Từ ngày
- đến ngày