Đào Tuấn 04/04/2025 15:57

Công nghiệp tái chế - mảnh ghép còn thiếu trên hành trình xuất khẩu bền vững

(Chinhphu.vn) - Kinh tế thế giới bước vào giai đoạn chuyển đổi xanh mạnh mẽ, khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường đang trở thành yếu tố quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu. Với Việt Nam, nền kinh tế có độ mở cao, thách thức không chỉ là nâng cao chất lượng sản phẩm, mà còn phải đảm bảo tính bền vững trong toàn bộ chuỗi sản xuất.

Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, hiện nay hàng hóa muốn bước chân vào các thị trường lớn như Liên minh châu Âu (EU), Bắc Mỹ hay Nhật Bản phải đáp ứng những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe về vòng đời sản phẩm, tỷ lệ tái chế và lượng phát thải carbon trong quá trình sản xuất. Đặc biệt, từ đầu năm 2025, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như thép, nhôm, xi măng và phân bón bị siết chặt điều kiện tiếp cận nếu không đáp ứng các yêu cầu bắt buộc về tái chế.

Ông Hồ Kiên Trung: "Việc thực hiện nghĩa vụ tái chế không chỉ giúp chúng ta giảm thiểu chất thải, bảo vệ môi trường, mà còn mang lại lợi ích trực tiếp cho chính các doanh nghiệp. Nó đảm bảo các mặt hàng của chúng ta duy trì được vị thế trên thị trường toàn cầu, đồng thời hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới. Hơn nữa, việc hình thành một ngành công nghiệp tái chế trong nước là cực kỳ hiệu quả để nâng cao tỷ lệ tái chế trong từng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của cả thị trường nội địa lẫn quốc tế."

Công nghiệp tái chế - mảnh ghép còn thiếu trên hành trình xuất khẩu bền vững- Ảnh 1.

Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Theo số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, chỉ tính riêng rác thải nhựa, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn được thải ra môi trường. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom để tái chế chỉ đạt khoảng 25-27%.

Tình trạng này phản ánh một bức tranh rộng hơn về những hạn chế trong toàn bộ hệ thống thu gom, phân loại và tái chế chất thải tại Việt Nam. Nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế phát triển, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tham mưu cho Chính phủ xây dựng và hoàn thiện nhiều chính sách chiến lược. Trong đó, trọng tâm là các cơ chế ưu đãi về thuế, tín dụng xanh và hỗ trợ ban đầu cho các dự án tái chế; đồng thời hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đối với sản phẩm tái chế và quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.

Song, theo ông Hồ Kiên Trung, bên cạnh việc hoàn thiện khung chính sách, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ và chủ động hơn nữa từ phía cộng đồng doanh nghiệp, những người trực tiếp hưởng lợi và cũng là lực lượng quyết định sự thành công của ngành công nghiệp tái chế trong tương lai.

Ông Hồ Kiên Trung: "Tôi rất mong muốn tất cả các doanh nghiệp tại Việt Nam tích cực tham gia vào nỗ lực này. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững, duy trì khả năng xuất khẩu, mà còn góp phần làm cho môi trường Việt Nam ngày càng xanh sạch đẹp hơn. Quan trọng hơn, đây là cơ hội để chúng ta xây dựng một ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam – một ngành đầy tiềm năng và có thể mang lại lợi nhuận cao trong tương lai. Nếu các doanh nghiệp của chúng ta không hành động ngay từ bây giờ, từ năm sau, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ nhảy vào khai thác thị trường tái chế và xử lý chất thải tại Việt Nam. Khi đó, chúng ta có nguy cơ mất dần thị phần, thậm chí ngay trên chính sân nhà của mình."

Phát triển công nghiệp tái chế không chỉ là lời giải cho bài toán môi trường và tài nguyên, mà còn là chiến lược thích ứng trước những thay đổi trong cấu trúc thương mại toàn cầu. Với quyết tâm chính trị, sự tham mưu kịp thời từ các cơ quan quản lý và sự vào cuộc tích cực của doanh nghiệp, Việt Nam hoàn toàn có thể biến ngành công nghiệp tái chế từ "mảnh ghép còn thiếu" thành trụ cột mới trong chiến lược phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng với thế giới.

Từ ngày
- đến ngày