Thái Sơn 25/03/2024 11:47

Chuyển từ tâm thế chờ đợi sang chuyển động để tiếp cận nguồn vốn xanh

(Chinhphu.vn) - Trong năm 2023, tổng số tiền mà các quỹ trên toàn cầu đang đầu tư vào tài chính khí hậu là một con số rất lớn, khoảng 653 tỷ USD.

Việt Nam đang có những nguồn vốn cực kỳ quan trọng khi liên tục có những cam kết hỗ trợ kỹ thuật của các quốc gia khác để thúc đẩy và chung tay với cam kết mục tiêu chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), nhiều doanh nghiệp hiện vẫn đang thiếu nguồn vốn xanh. Để có vốn xanh đến từ tín dụng xanh thông qua hệ thống ngân hàng hay từ các quỹ, các nhà đầu tư thì có rất nhiều những tiêu chí mà phải có sự thống nhất giữa người muốn vay vốn với cả người cung cấp vốn. Chúng ta hiện đang thiếu khung pháp lý để quy định việc này.

"Nghị định mà chúng tôi đang rất chờ đợi là tiêu chí để xác định thế nào là dự án xanh, thế nào là doanh nghiệp xanh…Và có Nghị định nữa là Tín dụng xanh cũng là khung hành lang cực kỳ quan trọng về mặt pháp lý để chúng ta có thể vận hành được thông suốt hơn đối với dòng vốn xanh. Còn như hiện tại, các dòng vốn vẫn đang được cấp nhưng chủ yếu là rót vào năng lượng tái tạo; một số dự án về nông nghiệp dựa trên những bộ tiêu chí quốc tế thừa nhận thì cũng được rót vốn này. Nhưng, tổng vốn xanh tính đến thời điểm cuối năm 2023 mới chiếm dư nợ không quá 4,5%. Một con số còn rất khiêm tốn".

Ông Bùi Quang Duy, Phó Giám đốc đầu tư toàn cầu, bộ phận Tài chính khí hậu, Quỹ ResphonsAbillity Intvestment AG (Thụy Sĩ) cho biết, trong năm 2023, tổng số tiền mà các quỹ trên toàn cầu đang đầu tư vào tài chính khí hậu là một con số rất lớn, khoảng 653 tỷ USD. Đây là một trong những lĩnh vực tăng trưởng gần như nhanh nhất trong tất cả những lĩnh vực về quản lý tài sản trên toàn thế giới.

"Tôi muốn nêu con số đó ra để thấy rằng, thực ra nguồn lực để chúng ta chung tay hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững rất lớn. Những đơn vị như chúng tôi có thể đóng vai trò tích cực trong câu chuyện này, cả về cung cấp nguồn vốn cho các doanh nghiệp trong nước thông qua các kênh trực tiếp hoặc gián tiếp; thông qua hệ thống định chế tài chính và cả thông qua việc hỗ trợ về kỹ thuật như có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khi họ còn chưa biết bắt đầu từ đâu. Chúng tôi có những đội ngũ chuyên gia, họ đến và đưa ra các chuẩn mực quốc tế để giúp doanh nghiệp đi một cách bài bản ngay từ đầu".

Chuyển từ tâm thế chờ đợi sang chuyển động để tiếp cận nguồn vốn xanh- Ảnh 1.

Doanh nghiệp phải tự ý thức việc "xanh từ trong quản trị".

Trong năm 2023, các chuyên gia khi nói về tài chính xanh thì đã từng nêu một thông điệp rằng, chưa bao giờ dòng vốn xanh dừng ở biên giới Việt Nam nhiều đến thế. Thế nhưng, thông điệp năm nay là bên cạnh những việc chờ đợi chuyển động về mặt luật pháp (Ví dụ như muốn giải ngân dòng vốn xanh thì phải có tiêu chí xanh, phải có quy định tín dụng xanh…). Những tâm thế của sự chờ đợi phải được thay thế bằng tâm thế chuyển động trong chính mỗi doanh nghiệp, bà Phạm Thị Ngọc Thủy nêu quan điểm.

"Chúng ta không đợi đến ngày, đến giờ các quy định được hiện thực hóa mà ngay từ bây giờ hoặc thậm chí đã có những doanh nghiệp đã đi sớm hơn, đi trước một bước. Có thể, những bước đi đầu tiên còn vụng về, nhưng chúng ta cứ mạnh dạn bước đi thì những chương trình hỗ trợ kỹ thuật như dự án IPSC (Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam) của Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT đang xây dựng hay những quỹ đầu tư sẽ giúp doanh nghiệp càng ngày càng củng cố được những câu chuyện liên quan đến tài chính trong việc chuyển đổi xanh".

Cũng theo các chuyên gia, để tiếp cận nguồn vốn xanh, doanh nghiệp phải tự ý thức việc "xanh từ trong quản trị". Điều này nghĩa là doanh nghiệp, đặc biệt là người lãnh đạo phải đưa ra định hướng chiến lược, xác định cơ hội và thách thức về tài chính xanh, xây dựng chiến lược trong việc xanh hóa hoạt động kinh doanh, đổi mới công nghệ theo hướng xanh, tăng cường trách nhiệm với môi trường và xã hội.

Từ ngày
- đến ngày