Download on the
App Store
Bắt đầu từ ngày mùng 4 Tết và về tới Hà Nội vào nửa đêm ngày mùng 9, đoàn công tác của Thủ tướng đã kiểm tra, đôn đốc, thúc đẩy các dự án trọng điểm ngành GTVT từ Nam ra Bắc với các loại hình vận tải đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường không.
Cụ thể, Thủ tướng đã đi kiểm tra 10 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài của các dự án gần 600 km; dự khởi công 1 dự án đường sắt; kiểm tra, đôn đốc 1 dự án cảng hàng không là sân bay quốc tế Long Thành có quy mô lớn nhất Việt Nam; dự phát lệnh xuất khẩu đầu năm tại cảng Cát Lái – cảng biển lớn nhất Việt Nam.
Thủ tướng cũng đã kiểm tra, thăm chúc Tết bà con nhân dân tại 9 điểm tái định cư; chủ trì 4 cuộc làm việc với 18 tỉnh, thành phố.
Cự ly di chuyển của đoàn (cả đi và về) trên đường bộ khoảng 1.120 km, gồm các tuyến Hà Nội - Tuyên Quang khoảng 300 km, đường Vành đai 3 TPHCM khoảng 60 km, Hà Nội – Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh khoảng 350 km, Cam Ranh - Ninh Thuận khoảng 140 km, TPHCM - Đồng Nai khoảng 100 km, TPHCM - Cần Thơ - Hậu Giang khoảng 170 km. Đó là chưa kể khoảng cách di chuyển giữa các điểm đến tại mỗi địa phương và các chặng di chuyển bằng đường hàng không vào Nam ra Bắc.
Trên hành trình làm việc của đoàn, nhiều tuyến cao tốc đang thi công với những cung đường hiểm trở, còn ngổn ngang, lầy lội bùn đất. Trong khi đó, những tuyến đường trong các dự án thuộc giai đoạn trước đang hình thành ngày càng rõ nét, nhiều đoạn đã hoàn thiện. Tuy nhiên, điểm chung của các dự án là khí thế làm việc hăng say của các cán bộ, công nhân, nhiều nơi đã làm xuyên Tết 2 năm liền. Thủ tướng biểu dương các cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ, công nhân đã làm việc với tinh thần "xuyên Tết".
Những cuộc kiểm tra thực địa để lại những ấn tượng sâu đậm về khí thế mạnh mẽ "cả nước như một công trường" với quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của toàn quân, toàn dân để hưởng ứng, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phấn đấu tới năm 2025 có 3.000 km cao tốc và tới năm 2030 có ít nhất 5.000 km cao tốc, tạo đột phá về hạ tầng giao thông vận tải.
Thủ tướng cho rằng, hai vấn đề quan trọng nhất với các dự án cao tốc là vốn và ý thức của toàn dân, chúng ta đã có, vấn đề là việc tổ chức thực hiện nhanh nhất, hiệu quả nhất, chuyển hóa quyết tâm chính trị rất cao thành hành động. "Trong gần 20 năm, chúng ta mới làm được khoảng 1.000 km cao tốc, nhưng chúng ta có cơ sở, điều kiện để thực hiện mục tiêu đã đề ra trong những năm tới, để trong 5 năm, chúng ta làm được số cao tốc dài gấp đôi 20 năm trước", Thủ tướng nhấn mạnh.
Chuyến công tác này một lần nữa cho thấy ưu tiên đặc biệt của Thủ tướng dành cho nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hạ tầng – một trong 3 đột phá chiến lược đã được Đảng, Nhà nước xác định, trong đó có hạ tầng giao thông vận tải.
Trước đó, trong ngày 1/1 - ngày đầu tiên của năm mới 2023, tại Quảng Ngãi, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công 12 dự án thành phần đường cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 và phát động Tháng thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công.
Và cách đây 1 năm, ngay trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Thủ tướng đã dành tới 3 ngày để thực hiên chuyến công tác "xuyên Việt, xuyên Tết" kiểm tra, đôn đốc các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, cũng trên những cung đường bộ dài hàng nghìn km và nhiều chặng bay vào Nam ra Bắc.
Nay, Thủ tướng tiếp tục tổng kết các bài học kinh nghiệm trong xây dựng các tuyến cao tốc nói riêng và các dự án hạ tầng GTVT nói chung: Xây dựng các tuyến cao tốc thẳng nhất, ngắn nhất có thể; tránh tình trạng "ăn xổi, ở thì" như làm cao tốc chỉ có 2 làn xe; không chia quá nhỏ các gói thầu; rà soát, chấn chỉnh việc cấp các mỏ nguyên vật liệu; việc thi công các dự án bảo đảm an toàn, tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, vệ sinh môi trường, không đội giá, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, quan tâm đời sống công nhân; sửa đổi tiêu chí lựa chọn nhà thầu bảo đảm công khai, minh bạch; bảo đảm nơi tái định cư của người dân tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ; tăng cường hợp tác công tư để huy động nguồn lực xã hội trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần đặc biệt nhấn mạnh vai trò chiến lược, quan trọng hàng đầu của các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với sự phát triển của các địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các địa phương.
"Từ tầm quan trọng như vậy, chúng ta không bàn lùi, không chần chừ, không do dự, phải làm bằng được, đạt kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được. Quan điểm chỉ đạo là tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, làm càng sớm càng có lợi cho đất nước, cho nhân dân", Thủ tướng Chính phủ phát biểu.
Chuyến công tác đã cho thấy quyết tâm, nỗ lực của người đứng đầu Chính phủ, với những cuộc khảo sát xuyên trưa, nhiều cuộc kéo một mạch đến 15h chiều, nhiều cuộc họp kết thúc lúc 21h tối và đoàn về tới Hà Nội khi đã nửa đêm. Có thể nói, Thủ tướng đã tận dụng tối đa thời gian của chuyến công tác không dài nhưng rất ý nghĩa này, tất cả vì mục tiêu đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Hà Văn