Trần Long 17/07/2024 09:30

Chủ động tầm soát nguy cơ ung thư sớm bảo vệ sức khỏe

(Chinhphu.vn) - Sự phát triển của các trường hợp ung thư ở giai đoạn đầu thường khó nhận biết khiến người bệnh chủ quan. Khi có các triệu chứng thì bệnh thường ở giai đoạn muộn, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao. Trước diễn biến phức tạp của bệnh, ngành y tế khuyến cáo, việc tầm soát ung thư là cách chủ động để người dân phát hiện và điều trị sớm.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay, căn bệnh ung thư đang có xu hướng gia tăng ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 183.000 ca mắc mới và khoảng 122.000 ca tử vong và hiện có hơn 350.000 bệnh nhân đang sống chung với căn bệnh này.

Các loại ung thư thường gặp như: Gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng, thực quản, vòm họng, vú, tuyến giáp… Sự phát triển của các trường hợp ung thư ở giai đoạn đầu thường khó nhận biết khiến người bệnh chủ quan. Khi có các triệu chứng thì bệnh thường ở giai đoạn muộn, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao. Trước diễn biến phức tạp của bệnh, ngành y tế khuyến cáo, việc tầm soát ung thư là cách chủ động để người dân phát hiện và điều trị sớm.

Chủ động tầm soát nguy cơ ung thư sớm bảo vệ sức khỏe- Ảnh 1.

Hình minh họa.

TS. BS Nguyễn Thị Minh Phương, Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện 19-8 chia sẻ, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các trường hợp như ung thư gan, tuyến giáp. Đặc biệt, tỷ lệ mắc các loại bệnh này ngày càng trẻ hóa.

"Khi nói đến ung thư bệnh nhân sẽ rất lo lắng, họ thường nghĩ đến câu nói dân gian "ung thư là án tử" nhưng đến nay đã thay đổi rất nhiều. Khi y học phát triển, có nhiều phương pháp để điều trị các bệnh lý ung thư. Điều quan nhất, chúng ta phát hiện được ở giai đoạn nào, nếu ở giai đoạn càng sớm thì chúng ta có thể điều trị khỏi, ví dụ một số bệnh lý ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư đường tiêu hóa, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư gan. Có một số bệnh nhân điều trị tốt và cơ hội sống thêm được 8-10 năm và không có dấu hiệu tái phát trở lại. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo với người dân thường xuyên khám, tầm soát sức khỏe định kỳ để phát hiện các nguy cơ từ sớm mang lại hiệu quả cao nhất".

Theo các chuyên gia y tế, những đối tượng có nguy cơ cao nên đặc biệt quan tâm đến tầm soát ung thư sớm (trước khi có triệu chứng) gồm: Những người thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia; ung thư có tính chất di truyền nên những đối tượng có người thân bị ung thư cũng nên tầm soát sớm; người có bệnh mãn tính liên quan đến gan, phổi, người làm việc trong môi trường ô nhiễm độc hại; người ít vận động, chế độ ăn uống sinh hoạt thiếu khoa học; người thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, căng thẳng, chán ăn…

Ngoài ra, bệnh nhân cũng không nên bỏ qua một số dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư như vấn đề sinh hoạt cá nhân hàng ngày, xuất hiện u cục bất thường ở bất kỳ vị trí trên cơ thể. Nếu người bệnh xuất hiện những dấu hiệu trên, cần thăm khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Từ ngày
- đến ngày