Đào Tuấn 05/07/2025 14:00

Chính sách mới về nhà ở xã hội: Điểm tựa an cư cho công chức, người lao động tại các tỉnh, thành mới

(Chinhphu.vn) - Việc Chính phủ chủ động nghiên cứu, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 201, cùng với các chính sách tín dụng và quỹ nhà ở xã hội, không chỉ tháo gỡ vướng mắc phát sinh từ sáp nhập tỉnh, thành phố mà còn khẳng định cách tiếp cận chủ động, toàn diện, lấy người dân làm trung tâm

Theo quy định trước đây của Luật Nhà ở năm 2023, người mua nhà ở xã hội không được sở hữu nhà tại tỉnh hoặc thành phố nơi dự kiến mua. Quy định này nhằm đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng – những người chưa có nhà ở hoặc nhà ở không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu.

Tuy nhiên, khi các tỉnh, thành phố thực hiện sáp nhập, quy định này đã bộc lộ bất cập. Ví dụ, khi Bắc Giang và Bắc Ninh sáp nhập thành tỉnh Bắc Ninh mới, một công chức đang có nhà ở Bắc Ninh nhưng nay làm việc tại trung tâm chính trị – hành chính đặt tại Bắc Giang (cũ) sẽ bị coi là có nhà trong cùng tỉnh và không còn đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. Trong khi thực tế, họ có thể phải di chuyển xa hàng chục km hoặc phải thuê nhà riêng với chi phí vượt khả năng chi trả.

Quy định mới – tháo gỡ kịp thời nỗi lo an cư 

Thực trạng này đã khiến không ít công chức, viên chức và người lao động lo lắng, bởi nếu không được tiếp cận nhà ở xã hội gần nơi làm việc, họ sẽ gặp khó khăn trong sinh hoạt và công tác hàng ngày. Đây không chỉ là câu chuyện về nhà ở, mà còn là vấn đề an cư để ổn định tâm lý, yên tâm cống hiến, nhất là trong bối cảnh địa giới hành chính thay đổi. Trao đổi về giải pháp tháo gỡ, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết:

Ông Hà Quang Hưng: "Để tháo gỡ vướng mắc này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 201/2025 (có hiệu lực từ ngày 1/6/2025) với quy định theo hướng mở hơn. Cụ thể, người mua nhà ở xã hội vẫn được phép có nhà ở trong cùng địa bàn cấp tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, sẽ có quy định cụ thể về khoảng cách từ nơi ở hiện có đến nơi làm việc, để phù hợp với đặc thù từng địa phương và giao cho địa phương quy định chi tiết nội dung này. Ví dụ, có thể quy định khoảng cách cụ thể như 20 km hoặc 30 km từ nơi ở hiện tại đến nơi làm việc. Nghĩa là, nếu người mua có nhà ở ngoài phạm vi 20 km này thì vẫn đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội. Đây được đánh giá là quy định mở, giúp mở rộng đối tượng được tiếp cận nhà ở xã hội."

Bên cạnh việc mở rộng điều kiện tiếp cận nhà ở xã hội phù hợp thực tiễn sáp nhập tỉnh, thành phố, ông Hà Quang Hưng cho biết, Nghị quyết 201 còn đặt ra các giải pháp tài chính dài hạn, hướng tới phát triển bền vững thị trường nhà ở xã hội. Đây được coi là bước đi cần thiết, bởi chỉ khi có cơ chế tài chính ổn định, chính sách nhà ở xã hội mới thực sự phát huy hiệu quả.

Chính sách mới về nhà ở xã hội: Điểm tựa an cư cho công chức, người lao động tại các tỉnh, thành mới- Ảnh 1.

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng)

Quỹ nhà ở quốc gia – công cụ tài chính bền vững 

Ông Hà Quang Hưng: "Trong Nghị quyết 201 cũng đã bổ sung một cơ chế tài chính mới, đó là thành lập Quỹ nhà ở quốc gia. Quỹ này gồm Quỹ nhà ở Trung ương do Chính phủ thành lập và giao Bộ Xây dựng quản lý; còn ở địa phương, giao UBND cấp tỉnh thành lập và giao cơ quan chuyên môn cấp tỉnh quản lý. Nhiệm vụ của quỹ là đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho nhóm đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, nhưng chỉ để cho thuê. Như vậy, chúng ta sẽ có thêm một công cụ mới để phát triển thị trường nhà ở xã hội trong thời gian tới. Bên cạnh đó, dưới sự điều hành của Chính phủ, hiện nay lãi suất cho vay các gói tín dụng nhà ở xã hội cũng đã giảm khá mạnh. Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh giảm thêm 0,2%, đưa lãi suất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng xuống còn 5,9%/năm, mức lãi suất này được đánh giá là phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận."

Có thể thấy, việc Chính phủ chủ động nghiên cứu, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 201, cùng với các chính sách tín dụng và quỹ nhà ở xã hội, không chỉ tháo gỡ vướng mắc phát sinh từ sáp nhập tỉnh, thành phố mà còn khẳng định cách tiếp cận chủ động, toàn diện, lấy người dân làm trung tâm. Khi công chức, viên chức và người lao động được đảm bảo chỗ ở phù hợp, đó cũng là điểm tựa vững chắc để bộ máy hành chính mới vận hành hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Từ ngày
- đến ngày