Download on the
App Store
(Chinhphu.vn) - Xây dựng chính quyền số không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là nền tảng quan trọng để đảm bảo một hệ thống hành chính hiện đại, minh bạch và gần dân hơn. Đặc biệt khi cả nước đang đẩy nhanh việc thực hiện các nghị quyết, kết luận và chỉ thị của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Từ thực tiễn triển khai tại địa phương, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, Bình Định đã áp dụng sớm việc sử dụng chữ ký số và xử lý thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Nhờ đó, 95% thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến, chỉ còn một số ít thủ tục đặc thù yêu cầu người dân đến làm việc trực tiếp. Tỉnh đã triển khai tổ chức các cuộc họp trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp xã, giúp tiết kiệm thời gian, công sức và hạn chế tối đa tình trạng báo cáo hình thức, chồng chéo. Để quá trình chuyển đổi số diễn ra đồng bộ, hiệu quả, ông Phạm Anh Tuấn đề xuất:
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn: 'Đề nghị các bộ ngành rà soát và thống nhất xây dựng nền tảng số quan trọng để triển khai toàn quốc, nhất là triển khai trong hệ thống bộ máy chính quyền mới sau sắp xếp tinh gọn. Các bộ ngành sớm rà soát điều chỉnh quy trình giải quyết các thủ tục hành chính từ chính quyền 4 cấp sang chính quyền 3 cấp, gắn với chức năng, nhiệm vụ mới của các cấp chính quyền để kịp triển khai hoàn thành bộ máy như ý kiến thông báo của Bộ Nội vụ.'
Đồng Nai cũng là một trong những địa phương có nhiều nỗ lực trong xây dựng chính quyền số. Tỉnh đã triển khai hệ thống giải quyết thủ tục hành chính kết nối trực tiếp với Cổng dịch vụ công quốc gia và các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu của các bộ, ngành. Nhờ đó, người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện hầu hết các thủ tục hành chính một cách thuận tiện, không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính hay cấp quản lý. Nhận định về những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết:
Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai: 'Tỉnh xác định nhiệm vụ cấp bách trong các tháng tới đây là khi triển khai mô hình 2 cấp thì việc giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là trên môi trường mạng là hết sức cấp bách, tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương xây dựng hệ thống dữ liệu của các sở, ngành mình, kết nối dữ liệu dùng chung với các bộ, ngành Trung ương, không phụ thuộc vào địa giới hành chính.'
Tỉnh Đồng Nai là một trong những địa phương có nhiều nỗ lực trong xây dựng chính quyền số.
Những chuyển động mạnh mẽ tại Bình Định, Đồng Nai cùng nhiều địa phương đã cho thấy rõ vai trò của chính quyền số như một công cụ hữu hiệu trong quá trình cải cách hành chính, mở rộng không gian quản lý và nâng cao hiệu suất phục vụ. Không chỉ thúc đẩy cải cách, chính quyền số còn tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, khi thủ tục được xử lý minh bạch, nhanh chóng, giúp doanh nghiệp thuận lợi đầu tư, giảm chi phí và rủi ro. Đối với người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, dịch vụ công trực tuyến mang lại cơ hội tiếp cận chính quyền thuận tiện, công bằng hơn, không còn phụ thuộc vào khoảng cách địa lý. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các địa phương vận hành bộ máy tinh gọn trong thời gian sắp tới.