Download on the
App Store
(Chinhphu.vn) - Việt Nam hiện có khoảng 160 trường có các chuyên ngành đào tạo về công nghiệp kỹ thuật với 134 nghìn sinh viên đầu vào về ngành kỹ thuật. Trong các năm tới, dự kiến có thêm khoảng 1400 sinh viên tốt nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn mỗi năm.
Thời gian qua, rất nhiều tập đoàn công nghệ lớn về bán dẫn của thế giới đã đến Việt Nam; một số đang trong quá trình đàm phán và một số đã công bố mở rộng sản xuất hay đầu tư mới. Ví dụ như Công ty Intel, Amkor, Hana Micron hay Samsung…Điều này cho thấy Việt Nam đang đứng trước cơ hội "vàng" để có thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn.
Để sẵn sàng đón "đợt sóng" đầu tư này, Việt Nam cần khẩn trương chuẩn bị đủ nguồn nhân lực chất lượng cao - yếu tố then chốt trong thu hút đầu tư nước ngoài. Theo bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, phụ trách Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (cơ sở Hà Nội), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực bán dẫn đến năm 2030.
"Đề án được xây dựng trên các quan điểm chính. Thứ nhất là đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là giải pháp đột phá của đột phá. Thứ hai là phát triển ngành công nghiệp bán dẫn phải đồng bộ với phát triển hệ sinh thái gắn với đào tạo khoa học cơ bản, khoa học chuyên sâu, phù hợp với lộ trình, lĩnh vực mà Việt Nam đang có thế mạnh. Phát huy mối quan hệ 3 nhà là Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Thứ ba là phải đa dạng hóa các loại hình và nguồn lực đào tạo. Trong giai đoạn đầu phải ưu tiên đào tạo giảng viên và đội ngũ chuyển đổi. Cuối cùng là hợp tác quốc tế nhằm huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế để giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn".
Đề án đưa ra những mục tiêu rất cụ thể đến năm 2030. Đó là sẽ đào tạo 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch; 35.000 kỹ sư trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử vi mạch; có ít nhất 5.000 kỹ sư có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo; đào tạo chuyên sâu cho 1.300 giảng viên giảng dạy tại các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên đã đưa ra dẫn chứng về tính khả thi của các mục tiêu trên.
"Chúng tôi cũng tiến hành các cuộc khảo sát. Việt Nam hiện có khoảng 240 trường, trong đó có 160 trường có các chuyên ngành đào tạo về công nghiệp kỹ thuật hay 134 nghìn sinh viên đầu vào về ngành kỹ thuật. Trong các năm tới, dự kiến có thêm khoảng 1400 sinh viên tốt nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn mỗi năm. Cũng trong 20 năm qua, chúng ta đã đào tạo hàng nghìn lập trình viên, hàng triệu nhân lực về công nghệ thông tin và điện tử. Đây là những cơ sở chúng tôi tin rằng mục tiêu Đề án đặt ra sẽ khả thi".
Các tập đoàn lớn trên thế giới chia sẻ, Việt Nam có thế mạnh là nguồn nhân lực trẻ, có kỹ năng và có sự ham học hỏi. Vì vậy, những giải pháp, động thái cụ thể cần phải sớm được thực hiện để nắm bắt cơ hội này, bởi thế hệ dân số vàng sẽ qua rất nhanh.
Và trong thời gian qua, với sự quyết tâm rất cao của Chính phủ Việt Nam, rất nhiều thể chế được hoàn thiện theo hướng phát triển, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong đó có ngành công nghệ cao như bán dẫn. Ví dụ như Luật Thủ đô; Nghị định 94/2020 quy định cơ chế, chính sách ưu đãi cho Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội miễn, giảm thuế cho chuyên gia, nhà khoa học…Ngoài ra, Chính phủ hiện cũng đang giao cho Bộ KH&ĐT dự thảo Nghị định về thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư, trong đó cũng sẽ có những cơ chế khuyến khích đầu tư cho ngành công nghiệp bán dẫn.