Thái Sơn 28/06/2024 09:58

Cần có chiến lược đón đầu trong đào tạo nhân lực cảng biển

(Chinhphu.vn) - Cảng biển hiện là cầu nối quan trọng để Việt Nam hội nhập, giao thương với các quốc gia trên thế giới, khi 85% sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu hiện nay được vận tải bằng đường biển.

Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải cho biết, để đáp ứng được nhu cầu phát triển thời gian tới, ngành cảng biển, logistics cần lực lượng nhân lực đáp ứng cả về chất và lượng.

"Hiện tại các doanh nghiệp cảng biển gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng được lao động có kỹ năng, trình độ chuyên môn, đi đôi với việc thiếu về số lượng do phần lớn người lao động chưa được đào tạo chuyên sâu. Theo đánh giá thì chỉ khoảng 10% là được đào tạo đúng ngành nên doanh nghiệp khi tuyển dụng thông thường phải mất 1-2 năm để đào tạo lại.

Tính riêng cảng biển thì đến năm 2030, Việt Nam dự kiến có khoảng 1000 cầu cảng, và chúng ta đang phấn đấu đạt tới khoảng 1,5 tỷ tấn/năm với số lượng container từ 27 triệu TEU/năm nâng lên thành 54 triệu TEU/năm vào năm 2030. Từ đó, chúng ta thấy nguồn nhân lực chuyên ngành cho cảng biển nhất thiết phải tăng, nhu cầu rất lớn".

Cần có chiến lược đón đầu trong đào tạo nhân lực cảng biển- Ảnh 1.

Một số cảng biển của Việt Nam đã vào top 30 cảng biển nhộn nhịp nhất trên thế giới.

Theo GS.TS Thái Văn Vinh, chuyên gia trong lĩnh vực Logistics, để giải quyết vấn đề trên, chúng ta cần tăng cường đầu tư cho đào tạo, thúc đẩy mối liên kết chặt chẽ giữa các bộ ngành, các doanh nghiệp cảng biển, logistics với các cơ sở đào tạo.

"Đối với cơ quan quản lý ở cấp Trung ương thì cần phải thể chế hóa mô hình gắn kết doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực thông qua việc thành lập hội đồng kỹ năng nghề các cấp.

Đối với cơ quan quản lý cấp địa phương thì cần nâng cao dự báo thống kê và kế hoạch phát triển nhân lực có kỹ năng nghề phù hợp với thị trường lao động địa phương.

Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì cần xác định những vị trí công việc mà hiện nay doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động để xây dựng các đề án, mở các mã ngành đào tạo; tăng cường liên kết đào tạo trong và ngoài nước để có lực lượng giáo viên có trình độ chuyên môn tiếp cận được các tiêu chuẩn quốc tế.

Đối với doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề thì cần chủ động hợp tác với các trường để cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng; cần chủ động cung cấp các cơ hội để cho sinh viên thực hiện "Học kỳ doanh nghiệp" càng sớm càng tốt trong chương trình đào tạo của mình".

Việc phát triển hệ thống cảng biển cả về quy mô hạ tầng và hiệu quả khai thác đã giúp Việt Nam trở thành một trong những mắt xích quan trọng trong hải trình vận tải biển toàn cầu. Một số cảng biển của Việt Nam đã vào top 30 cảng biển nhộn nhịp nhất trên thế giới.

Ngoài ra, với vị trí của mình, Việt Nam có nhiều tiềm năng để trở thành trung tâm logistics lớn của khu vực, cũng như sự dịch chuyển sản xuất từ một số quốc gia về Việt Nam trong thời gian qua thì chắc chắn Việt Nam sẽ thành một trung tâm sản xuất lớn của thế giới. Cơ hội đang rộng mở, đòi hỏi chúng ta phải có những chiến lược đón đầu, đặc biệt trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cảng biển chất lượng cao.

Từ ngày
- đến ngày