Trần Long 25/10/2022 16:38

Cần cơ chế giữ chân và thu hút nhân lực ngành điều dưỡng

(Chinhphu.vn) - Trong sự phát triển của nền y học hiện nay, lực lượng điều dưỡng có vai trò quan trọng trong thực hiện các mục tiêu của ngành y tế về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cũng như đổi mới phong cách, thái độ chăm sóc sức khỏe người dân. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều bệnh viện đang rơi vào tình trạng thiếu điều dưỡng, khi lực lượng này ngày càng nghỉ việc nhiều và khó tuyển dụng.

Trong sự phát triển của nền y học hiện nay, lực lượng điều dưỡng có vai trò quan trọng trong thực hiện các mục tiêu của ngành y tế về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cũng như đổi mới phong cách, thái độ chăm sóc sức khỏe người dân.  Tuy nhiên, thời gian qua nhiều bệnh viện đang rơi vào tình trạng thiếu điều dưỡng, khi lực lượng này ngày càng nghỉ việc nhiều và khó tuyển dụng.

Chia sẻ về nguyên nhân thiếu hụt nguồn điều dưỡng, ông Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam cho biết, khó khăn trong việc thu hút nhân lực điều dưỡng hiện nay chính là do công việc vất vả, áp lực. Trong khi đó, thu nhập chưa tương xứng. Điều này dẫn đến số lượng điều dưỡng nghỉ việc nhiều. Các trường vì thế cũng khó tuyển sinh.

Cần cơ chế giữ chân và thu hút nhân lực ngành điều dưỡng - Ảnh 1.

Ông Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam.

"Nghị quyết 20 của TW Đảng năm 2017 về công tác y tế lần đầu tiên đã đưa ra chỉ tiêu về nhân lực điều dưỡng, phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam có 25 điều dưỡng/ 1 vạn dân. Thực tế năm 2022, chúng ta mới có 14 điều dưỡng/1 vạn dân. Lí do cơ bản ở đây là các hệ thống chính sách chưa đồng bộ, tương thích. Dịch vụ do điều dưỡng, hộ sinh cung cấp hiện nay chưa có người chi trả, chưa được đưa vào danh mục thanh quyết toán bảo hiểm. Vì vậy, các bệnh viện không có lương, kinh phí để tuyển thêm điều dưỡng. Trên thực tế, điều dưỡng ra trường hàng năm với số lượng rất đông nhưng chưa tìm kiếm được việc làm. Đây là những vấn đề có thể nói do những chính sách của chúng ta hiện nay chưa đồng bộ gây ra".

Có thể thấy, trước nhu cầu xã hội trong việc chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao, nguồn điều dưỡng hàng năm ra trường cũng đứng trước rủi ro "vừa thiếu vừa thừa". Hiện nay cả nước có 182 cơ sở đào tạo điều dưỡng trình độ từ trung cấp tới đại học, trong đó có 43 cơ sở đào tạo trình độ đại học, 102 trường đào tạo trình độ cao đẳng và 37 cơ sở đào tạo trình độ trung cấp, năm 2021 đã có 17.996 sinh viên tốt nghiệp và hiện đang đào tạo 54.857 sinh viên. Đối với trình độ sau đại học, năm 2021 có 530 học viên sau đại học tốt nghiệp các trình độ tiến sỹ, thạc sỹ và chuyên khoa, hiện có 1.029 học viên đang học và sẽ tốt nghiệp trong những năm tới.

Thời gian tới, để khắc phục những bất cập đối với ngành điều dưỡng, ông Mục cho rằng cần phải có giải pháp căn cơ đó là các trường đào tạo cần có những chính sách mới để thu hút ngành học này về đào tạo, sử dụng lao động phù hợp và đặc biệt là thu nhập cho cán bộ điều dưỡng.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, riêng số người từ 80 tuổi trở lên  đã vào khoảng 2 triệu người , dự báo đến  năm 2030, tỷ lệ người cao tuổi ở VN chiếm  18% dân số và năm 2050 là  26% do vậy yêu cầu từ thực tiễn đòi hỏi về số lượng và chất lượng đối với lực lượng điều dưỡng ngày một cao  là hết sức cần thiết

Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng Đề án đổi mới chính sách điều dưỡng, hướng đến chăm sóc toàn diện, giai đoạn 2022 - 2030, nhằm đẩy mạnh công tác điều dưỡng. Trong khi đó, một số địa phương cũng đã có những chính sách, để nâng cao thu nhập cho điều dưỡng như tại TP. Hồ Chí Minh, Sở Y tế đề xuất tiếp tục hỗ trợ thu nhập tăng thêm cho điều dưỡng; đề xuất Bộ Y tế gia hạn thời gian cho phép tuyển dụng điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ trung cấp, đến ngày 1/1/2026. Ngoài ra, các chính sách miễn giảm học phí, tạo điều kiện việc làm - cũng được kiến nghị, để ngành điều dưỡng thu hút nhiều sinh viên theo học. Với những kiến nghị này, kỳ vọng bài toán thiếu nhân lực điều dưỡng sẽ được giải quyết. Bởi điều dưỡng luôn là người sát cánh cùng bệnh nhân trong cuộc chiến với bệnh tật.

Từ ngày
- đến ngày