Minh Ngọc 28/09/2022 08:38

Bộ Tài chính phân tích ‘lực cản’ đối với giải ngân vốn đầu tư công

(Chinhphu.vn) - Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, hiện có 2 cơ quan Trung ương và 10 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt vốn đầu tư công trên 70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, 39/51 bộ, cơ quan Trung ương và 22/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,7%), trong đó, 14 bộ, cơ quan Trung ương và một địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch.

“Mổ xẻ” nguyên nhân dẫn đến giải ngân vẫn chậm chễ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho rằng hạn chế lớn nhất chính là công tác tổ chức triển khai thực hiện.

Ông Tạ Anh Tuấn nhận định công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt dẫn tới nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nhưng vẫn chưa đủ điều kiện giải ngân vì bị vướng về quy hoạch, địa điểm, phải điều chỉnh đơn giá dẫn đến phải thay đổi hoặc điều chỉnh lại dự án. Đáng chú ý là quá trình giải ngân các dự án ODA còn vướng nhiều điều kiện liên quan đến các đối tác phát triển.

Đặc biệt, chất lượng chuẩn bị các dự án ODA rất thấp (tỷ lệ chung chỉ đạt dưới 20%) mà chúng ta vẫn phải trả phí cam kết, phí huỷ vay nếu chúng ta không thực hiện vay nữa. Năm 2022, một số bộ, ngành địa phương đề xuất điều chỉnh phần vốn ODA thì cần chú ý điểm này.

Ngoài ra, năng lực của ban quản lý dự án có nơi, có chỗ còn chưa chuyên nghiệp. Một số những nội dung hợp đồng của chủ đầu tư và nhà thầu chưa rõ ràng và việc nghiệm thu thanh toán của chủ với nhà thầu còn chậm chễ.

Về giải pháp, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, các địa phương, các bộ, ngành cần chủ động điều chỉnh trong phạm vi quyền hạn của mình; quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư; Bộ trưởng, Thủ trưởng các Bộ, Chủ tịch UBND thành phố phải tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện dự án. Đồng thời, ngay từ bây giờ, các bộ, ngành địa phương cũng cần chuẩn bị tốt cho kế hoạch giải ngân của năm 2023.

Từ ngày
- đến ngày