Download on the
App Store
(Chinhphu.vn) - Chúng ta đang thiếu các sản phẩm du lịch nổi bật.Nhiều phố đi bộ ở các địa phương đang hoạt động như một chợ đêm, với sản phẩm giống nhau từ đồ chơi đến đồ ăn thức uống…
Các địa phương khi mở phố đi bộ đều hướng đến mục tiêu để không gian đi bộ trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, là điểm đến thú vị, tạo ra không gian vui chơi, thư giãn cho cộng đồng dân cư, du khách trong và ngoài nước; là nơi giao lưu văn hóa các vùng miền và thế giới, là nơi giới thiệu các sản phẩm du lịch bản địa đặc sắc… Tuy nhiên, nếu ngay từ đầu không có kế hoạch và chiến lược bài bản, mặt khác sau một thời gian triển khai, nếu không được quan tâm đầu tư để tiếp tục phát triển sẽ dẫn đến các phố đi bộ không thu hút được du khách và "biến tướng" trở thành những chợ đêm hỗn độn.
Ông Vũ Văn Tuyên-Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, đồng thời là Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Travelogy cho rằng, khi mở ra phố đi bộ cần phải xem xét rất nhiều yếu tố trong đó có tính bản địa, tính văn hóa của khu vực đó. Ở Việt Nam, có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay một số không gian đi bộ mang bản sắc địa phương và thu hút đông đảo du khách như: Phố đi bộ Hội An, không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ Mộc Châu…
Ông Tuyên đưa ra ví dụ ở Hội An, sự lôi cuốn và sức sống của phố đi bộ Hội An đến từ sự kết nối hài hòa giữa yếu tố lịch sử, văn hóa và thương mại. Một số tuyến phố đi bộ của Hội An có sự tham gia của người dân bản địa, như các gia đình làm đèn lồng, làm bánh, dệt vải, may đo truyền thống. Họ không chỉ phục vụ khách du lịch mà đây còn giữ gìn nghề truyền thống của gia đình, du khách được trải nghiệm trực tiếp.
Khu phố đi bộ ở Hội An cũng có nhiều hoạt động giải trí mang đậm tính bản địa: Các trò chơi dân gian có sự tham gia của du khách, thả đèn lồng, hát bài chòi, đập bùng binh… Suốt dọc tuyến phố đi bộ luôn có những loại hình văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực phục vụ du khách. Đặc biệt vào buổi tối, phố đi bộ Hội An sẽ trở nên lung linh, huyền ảo.
Một nét đặc trưng trong kiến trúc ở Phố cổ Hội An thu hút du khách là những con phố được xây dựng theo hình bàn cờ, uốn lượn theo ven sông. Chúng ta dễ dàng bắt gặp du khách thư thái tản bộ hay đạp xe quanh phố cổ, bắt gặp những gánh hàng rong với nhiều món ẩm thực nổi tiếng địa phương như: Cao lầu, mì Quảng, bánh mì, cơm gà… hay những cửa hàng bày bán các đồ dùng thủ công mỹ nghệ. Tất cả những yếu tố đặc trưng đó cùng cuộc sống chậm rãi, thanh bình đã thu hút du khách, đặc biệt là khách nước ngoài, nên phố cổ Hội An luôn là điểm phải đến của du khách mỗi khi đến Việt Nam.
Rất ít phố đi bộ có lợi thế và làm được như Hội An. Theo ông Vũ Văn Tuyên, vấn đề là chúng ta chưa thấy được sự đặc sắc của phố đi bộ để khi khách du lịch trải nghiệm họ thấy rằng chỉ có ở phố đi bộ này mới có và không nơi nào có được.
"Chúng ta chưa đầu tư nghiên cứu để xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp và chưa nghiên cứu về tính văn hóa bản địa để xây dựng phố đi bộ đặc trưng của điểm đến. Chúng ta đang thiếu các sản phẩm du lịch đặc sắc", ông Tuyên nói.
Do đó, theo ông Vũ Văn Tuyên phải xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng nhất của địa phương để tạo được ấn tượng. Mỗi khu phố đi bộ phải có sản phẩm đặc thù chứ không phải bán tràn lan các sản phẩm giống nhau và khách du lịch không biết đâu là sản phẩm của Việt Nam.
Biểu diễn tuồng ở phố cổ Hà Nội - Ảnh: VGP
Bà Đào Anh Thư, đại diện Công ty du lịch Discova Việt Nam cho biết, ngành du lịch nhiều địa phương của Việt Nam hiện mới chỉ trú trọng đến những yếu tố cơ bản như chỗ ăn nghỉ, di tích hay thắng cảnh tự nhiên... Tuy nhiên, với những nước du lịch phát triển, người làm du lịch, các doanh nghiệp hay cơ quan quản lý ngành, điều quan tâm trước hết là tìm hiểu nhu cầu của du khách để đưa ra sản phẩm phù hợp, thỏa mãn nhu cầu.
Ngoài những yếu tố cơ bản như vận chuyển và ăn nghỉ, du khách khi đến một điểm du lịch mới thường có 4 nhu cầu mong muốn được trải nghiệm, gồm: Tham quan thắng cảnh và tìm hiểu văn hóa bản địa thông qua không gian văn hóa hiện hữu (điểm tham quan) và không gian trưng bày (bảo tàng, nhà trưng bày); tham gia các hoạt động giải trí ban ngày và ban đêm; thưởng thức ẩm thực địa phương và cuối cùng là mua sắm (hàng hiệu và hàng bản địa). Đây đều là những yếu tố có tính linh hoạt, có thể giúp gia tăng giá trị và thúc đẩy sự phát triển du lịch của mỗi quốc gia hay địa phương.
Để giữ chân du khách, nhiều địa phương ở Việt Nam đang tổ chức các tuyến phố đi bộ, với mục tiêu tạo lập không gian cho các hoạt động văn hóa, kết hợp thương mại, ẩm thực…, để đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của người dân và khách du lịch.
Theo bà Đào Anh Thư, để những tuyến phố đi bộ thực sự trở thành một nơi có giá trị cho du khách, nhất là khách du lịch quốc tế, các địa phương khi quy hoạch không gian đi bộ trước hết cần xác định thế mạnh của mình và nhu cầu của du khách để tổ chức phố đi bộ. Ngoài ra cần xác định rõ chức năng từng không gian để quản lý, không để phố đi bộ chỉ như những chợ đêm phục vụ người dân địa phương, nơi hàng rong và các dịch vụ khác hoạt động.
Bà Đào Anh Thư cho biết, kinh nghiệm các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia…, họ tổ chức các khu phố theo các phân khu chức năng rất rõ ràng. Ví dụ như Bangkok, phố Khao San Road, Cowboy Soi tập trung vào ăn uống và giải trí với các quán bar, nhà hàng, ẩm thực được tổ chức tới sáng; hay khu mua sắm và ẩm thực đường phố tại chợ đêm Xe Lửa Talad Rod Fai Bangkok, chợ đêm Máy Bay Chang Chui, chợ đêm Asiatique… Ngoài ra, các khu trung tâm mua sắm lớn như Central World, Emquatier cũng có các khu phố nhỏ bên ngoài bày bán ẩm thực địa phương hoặc quà lưu niệm.
Tương tự, ở Bukit Bintang (Bintang Walk), trung tâm thương mại mua sắm lớn nhất Kuala Lumpur, tập trung nhiều khu mua sắm sầm uất và khách sạn cao cấp, nhà hàng sang trọng. Hay tại Bali, các khu phố ẩm thực, mua sắm và giải trí cũng được quy hoạch ở trung tâm biển Kuta, Sanur.
Về nhu cầu mua sắm hàng nội địa, bà Đào Anh Thư cho hay, khách du lịch sẽ quan tâm đến những sản phẩm có tính đặc trưng địa phương, sản phẩm dễ mang theo, có khả năng được nhập cảnh khi về nước,… Thông thường là các mặt hàng về thời trang, sản vật địa phương, sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống dùng để tiêu dùng, làm quà lưu niệm.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, những mặt hàng dành cho du khách do các doanh nghiệp nội địa sản xuất còn ít và còn kém về mẫu mã, chất lượng chưa đảm bảo, ít sáng tạo để gắn với đặc trưng văn hóa địa phương. Ngoài ra, khâu phân phối cũng chưa phù hợp. Do đó tại các phố đi bộ chưa thấy các sản phẩm đặc trưng của địa phương mà chủ yếu là bán những mặt hàng được nhập từ nước ngoài.
Ông Hồ Tấn Dương, Chủ tịch Hiệp hội Thiết kế TPHCM (VDAS) cho rằng TPHCM là trung tâm kinh tế, văn hóa và du lịch của Việt Nam, thu hút rất nhiều người đến tham quan. Do đó, khu vực trung tâm xuất hiện số lượng lớn các cửa hàng và chợ du lịch bán đủ loại hàng hóa, từ quần áo, đồ trang sức, thực phẩm, đến đồ handmade và đồ lưu niệm từ khắp nơi đổ về, kể cả đồ nước ngoài. Sự đa dạng, trùng lặp của các mặt hàng khiến du khách dễ bị lạc lõng, dễ dãi trong việc lựa chọn quà tặng du lịch có ý nghĩa của Thành phố.
Các sản phẩm thuần túy mang ý nghĩa quà tặng có đầu tư nghệ thuật và thiết kế chưa có nhiều. Đa số các sản phẩm xuất phát từ các cơ sở thủ công mỹ nghệ nhỏ mang tính gia đình, truyền thống, hàng hóa dễ sản xuất nên hiển nhiên không ưu tiên tập trung đầu tư vào thiết kế, nghệ thuật, độc đáo và không phản ánh đúng bản sắc văn hóa của Thành phố.
Theo ông Hồ Tấn Dương, nguyên nhân là ngành du lịch chưa có sự quan tâm, chưa thấy rõ tầm quan trọng của hoạt động thiết kế, sản xuất sản phẩm phục vụ cho ngành du lịch. Trong bản đổ du lịch, chưa xây dựng các địa chỉ đặc biệt dành cho quà tặng du lịch, chưa có các sản phẩm quà tặng độc đáo được ghi dấu ấn, có đầu tư thiết kế để phục vụ nhu cầu của du khách.
Trong tương lai, ông Hồ Tấn Dương đề nghị nên tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ nhân, nhà thiết kế và doanh nghiệp địa phương phát triển ý tưởng mới và sáng tạo các sản phẩm độc đáo mang tính văn hóa, bản sắc của địa phương mình. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc cung cấp hỗ trợ tài chính, chương trình đào tạo, huấn luyện và xúc tiến thị trường cho những người sáng tạo và doanh nghiệp có ý tưởng mới.
Vừa qua, TPHCM đã tổ chức cuộc thi thiết kế quà lưu niệm, quà tặng. Đây là lần đầu tiên Thành phố tổ chức cuộc thi, các tác phẩm đoạt giải cao đạt yêu cầu và kỳ vọng của Ban tổ chức. Tuy nhiên, số lượng người dự thi chưa nhiều có thêm nhiều sản phẩm có ý tưởng và thiết kế độc đáo.
"Tôi hy vọng Thành phố tiếp tục tổ chức cuộc thi để có thêm nhiều sản phẩm quà tặng du lịch có giá trị văn hóa, đột phá ý tưởng, có đầu tư thiết kế… Cùng với đó, cần phải đầu tư quảng bá để thu hút nhiều nhà thiết kế tham gia cống hiến, có nhiều ý tưởng mới lạ, từ đó phối hợp với các nhà sản xuất để biến các ý tưởng đó thành sản phẩm hữu dụng, đóng góp vào sự phát triển du lịch của Thành phố", ông Dương chia sẻ.
Diệp Anh-Tuấn Hùng
Bài 3: Có nên mở phố đi bộ tràn lan?