Download on the
App Store
(Chinhphu.vn) - Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để hiện thực hóa mục tiêu này, một trong những trụ cột chính là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương, để quá trình chuyển đổi số quốc gia có thể thành công, thì một trong những yêu cầu mang tính bắt buộc là công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
"Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định đẩy mạnh chuyển đổi số phải gắn với an ninh và an toàn. Việc này hơn bao giờ hết có lẽ đã trở thành một yêu cầu vô cùng quan trọng và cấp thiết. Đây không chỉ đơn thuần là bảo đảm an toàn, an ninh về mặt kỹ thuật. Mà đây là một bài toán rất lớn liên quan đến bảo đảm an ninh, an toàn của quốc gia trên không gian số".
Năm 2024 đánh dấu nhiều bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong lĩnh vực an toàn thông tin. Cụ thể, Việt Nam vươn lên vị trí số 17 trên 194 quốc gia về xếp hạng an ninh mạng toàn cầu. Số vụ tấn công mạng trong 9 tháng đầu năm 2024 giảm khoảng 55% so với cùng kỳ năm 2023. Hệ thống giám sát quốc gia đã xử lý, ngăn chặn thành công hơn 14.000 website độc hại, bảo vệ an toàn cho hơn 11 triệu người.
Bên cạnh những kết quả, Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều thách thức lớn hiện nay như vấn nạn liên quan đến lừa đảo trực tuyến; hay những việc liên quan đến thiết bị IoT có xuất xứ nước ngoài, có lỗ hổng mà chưa được đánh giá đầy đủ; hay việc thiếu hụt nguồn nhân lực số. Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương đưa ra một số giải pháp trọng tâm Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai thời gian tới.
"Thứ nhất là sẽ sớm xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo đảm an toàn thông tin, trong đó đặc biệt lưu ý các quy định về bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ. Thứ hai, các cơ quan, tổ chức sẽ tăng cường đầu tư cho an toàn thông tin, tập trung phát triển các sản phẩm, công nghệ, make in Việt Nam, do Việt Nam thiết kế, sản xuất. Thứ ba sẽ chỉ đạo tổ chức thực thi thường xuyên, liên tục công tác bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp, đặc biệt là nâng cao năng lực của lớp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; duy trì ổn định kết nối, chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Thứ tư, Bộ sẽ chỉ đạo xây dựng kế hoạch, phương án để kịp thời sẵn sàng ứng phó ngay đối với các sự cố mất an toàn, an ninh thông tin".
Vừa qua, Chính phủ cũng ban hành Chỉ thỉ yêu cầu các cơ quan, tổ chức bảo đảm dành ít nhất 10% ngân sách cho công nghệ thông tin, an toàn thông tin. Điều này thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với công tác bảo đảm an toàn thông tin; xem đây như nền tảng quan trọng trong thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng và phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.