Download on the
App Store
(Chinhphu.vn) - Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục giữ vững vai trò dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, là động lực chính giúp kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao trong cả năm nay.
Một trong những đóng góp tích cực vào tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, không thể không nhắc đến ngành gỗ và sản phẩm gỗ. Đây cũng là ngành xuất khẩu mang về hàng tỷ USD cho nền kinh tế.
Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ, thời gian tới, ngành gỗ tiếp tục có nhiều dư địa thuận lợi để phát triển.
"Sản phẩm gỗ từ Việt Nam được sản xuất dựa trên các lợi thế. Thứ nhất, chúng ta có đội ngũ nhân công lớn, chi phí giá nhân công rẻ, người Việt Nam cần cù, tỉ mẫn. Thứ hai, chúng ta có nguồn nguyên liệu từ vùng trồng trong nước dồi dào gần 3 triệu hecta rừng trồng cây keo mọc rất nhanh, gần 1 triệu hecta cao su được trồng theo hình thức tiểu điền và được trồng trong 25 năm. Và toàn bộ gỗ chúng ta đưa vào chuỗi cung ứng để xuất khẩu là gỗ từ rừng trồng và gỗ hợp pháp. Chúng tôi mong muốn các cơ quan thương mại giúp chúng tôi truyền tải thông điệp mạnh mẽ về Việt Nam kiên quyết phát triển một ngành công nghiệp gỗ bền vững, tăng trưởng xanh và thương mại xanh".
Không chỉ có ngành gỗ đang về đích xuất khẩu 14,2 tỷ USD. Dệt may cũng đang tiến dần tới mục tiêu 44 tỷ USD, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết.
Ở bức tranh nông nghiệp, ngành rau quả cũng cho thấy sự tăng trưởng đều đặn ở mức hai con số tạo nhiều kỳ tích mới. Ông Lê Thanh Hoà, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, với động lực và đà tăng trưởng như hiện nay, rau quả Việt Nam có thể vươn tới kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 7 tỷ USD trong năm nay.
Chúng ta có những thuận lợi như đã ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do FTA và chúng ta có các ưu đãi về giảm thuế về 0%. Chúng ta ký được Nghị định thư về dừa, tiếp tục đà xuất khẩu sầu riêng. Vì vậy chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào giá trị xuất khẩu rau quả trong năm 2024 từ 6,5 – 7 tỷ USD. Tuy nhiên cũng cần tiếp tục cải thiện và làm tốt để đáp ứng tốt các yêu cầu thị trường, đặc biệt về khâu quy trình trồng trọt, bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm đối với hàng rau quả. Có như vậy, chúng ta mới chinh phục được các thị trường khó tính trong thời gian tới.
Xuất khẩu là 1 trong 3 động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là mục tiêu, nhiệm vụ mà thời gian qua Chính phủ và các Bộ, ngành, đơn vị đã và đang triển khai nhiều giải pháp để tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo các chuyên gia, các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tận dụng tốt những ưu đãi trong các FTA sẽ là những động lực quan trọng giúp hoạt động xuất nhập khẩu nâng cao hiệu quả và tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.