Lễ dựng nêu dịp Tết Quý Mão 2023 bên trong Đại Nội Huế - Ảnh: VGP/Lê Hoàng
Sáng 14/1 (nhằm ngày 23 tháng Chạp năm Nhâm Dần), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức Lễ Thướng tiêu (Lễ dựng nêu) tại Triệu Tổ Miếu và Thế Tổ Miếu (Đại Nội).
Lễ dựng nêu là nghi lễ có nguồn gốc lâu đời của người dân Việt Nam, với mục đích ban đầu là thông báo một năm mới đến gần, sau là cầu mong cho đất nước bình an, may mắn và an lành.
Dưới thời Nguyễn (1802-1945), Tết Nguyên đán là một trong những lễ lớn ở hoàng cung, được tổ chức thành một chuỗi các lễ hội từ tháng 12 (tháng Chạp) đến trung tuần tháng 1 (tháng Giêng) năm sau. Lễ dựng nêu được triều Nguyễn tổ chức ngày 23 tháng Chạp hằng năm là một trong những nghi lễ đầu tiên trong chuỗi hoạt động đón chào năm mới.
Lễ dựng nêu ngày nay đã trở thành một hoạt động không thể thiếu ở Quần thể Di tích Cố đô Huế trong mỗi dịp chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Năm nay lễ dựng nêu được tổ chức tại các điểm Hiển Lâm Các-Thế Miếu, Triệu Tổ Miếu (Đại Nội) và điện Long An (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế).
Nhiều hoạt động tái hiện truyền thống đón Tết cổ truyền của người dân xứ Huế - Ảnh: VGP/Lê Hoàng
Tết Huế là một chương trình do TP. Huế tổ chức với rất nhiều hoạt động gợi nhớ về những tập tục Tết Huế xưa; giới thiệu đặc sản của các doanh nghiệp, địa phương trên địa bàn TP. Huế và bình chọn những sản phẩm đặc sắc nhất để dâng tiến tỏ lòng biết ơn tổ tiên, những người đã khai phá, tạo nên vùng đất xinh đẹp, bình yên, trù phú này.
Tết Huế Quý Mão 2023 có nhiều hoạt động ái hiện truyền thống đón Tết cổ truyền của người dân xứ Huế như: Hội thi làm mứt và bánh truyền thống Tết; hội thi gói và nấu bánh chưng, bánh tét; trình diễn mâm bánh truyền thống, mâm ngũ quả và bình hoa ngày Tết; thi mâm cỗ Tất niên và không gian trưng bày các sản phẩm hội thi các trò chơi dân gian như kéo co, nhảy bao bố…
Tết Huế còn có chương trình "Đêm hội sắc Xuân" trình diễn áo dài cộng đồng tại đường 23/8 và chương trình ca múa nhạc, hoạt ca…; chương trình biễu diễn Lân sư Rồng, biểu diễn võ thuật cổ truyền "Võ Kinh Vạn An"; hoạt động trải nghiệm các nghề truyền thống Huế: Hoa giấy, tò he, ông táo, viết thư pháp, in tranh làng Sình, làm bánh in; Lễ rước Dâng tiến hương Xuân…
Chương trình Tết Huế năm 2023 diễn ra từ ngày 13/1 đến ngày 17/1 (nhằm ngày 22 đến 26 tháng Chạp, năm Nhâm Dần) tại đường 23/8 và đường Lê Huân-Phố đêm Hoàng thành Huế.
Chương trình Dâng tiến Hương Xuân, tái hiện hoạt động “Tiến Cung” - cúng các vị vua triều Nguyễn vào dịp năm mới - Ảnh: VGP/Lê Hoàng
Trong khuôn khổ chương trình Tết Huế 2023, hoạt động "Dâng tiến hương Xuân" do UBND TP. Huế và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức sáng 16/1, tái hiện hoạt động "Tiến Cung" - cúng các vị vua triều Nguyễn vào dịp năm mới.
Đoàn rước dâng tiến phong vị sản vật được tuyển chọn từ những sản phẩm tiêu biểu nhất địa phương vào Thế Miếu. Lộ trình từ đường 23/8-Ngọ Môn-Hữu Dực Môn-cửa chính Thế Miếu - cửa Tuấn Liệt (ở bên Hiển Lâm Các) đến Thế Miếu. Đoàn rước gồm các nghệ nhân của địa phương có đặc sản được tuyển chọn, đại biểu tham dự, Ban Tổ chức với 20 mâm lễ vật, hoa của Ban Tổ chức và 15 phường, xã trên địa bàn Thành phố.
Hoạt động này thể hiện lòng thành kính của các địa phương, những nghệ nhân Huế đối với các bậc tiền nhân, qua đó lan tỏa được những nét đẹp truyền thống của con người Huế và đặc sản của vùng đất Cố đô.
Các đặc sản tiêu biểu của địa phương, doanh nghiệp hiện trên địa bàn thành phố Huế để tổ chức Lễ “Dâng tiến hương Xuân” tại Thế Miếu - Ảnh: VGP/Lê Hoàng
Tết đến là dịp muôn hoa hội tụ, khoe sắc tại TP. Huế. Dịp Tết Quý Mão 2023, UBND TP. Huế tổ chức trang trí hoa từ Bia Tưởng niệm chiến sĩ trận vong đến cầu Tràng Tiền và các hoạt động tại các tuyến phố đi bộ Võ Thị Sáu, Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, công viên-đường đi bộ hai bên bờ sông Hương, Quảng trường Ngọ Môn, phố đêm Hoàng thành Huế, các khuôn viên Đại Nội… nhằm phục vụ nhân dân và du khách du xuân.
Các khuôn viên hai bên bờ sông Hương ngập tràng sắc hoa - Ảnh: VGP/Lê Hoàng
Đặc biệt năm nay, tỉnh Thừa Thiên Huế lần đầu tổ chức Lễ hội Hoàng mai (từ 18/12 đến ngày 28/12 năm Nhâm Dần) tại công viên Thương Bạc với các hoạt động như: Cuộc thi các tác phẩm Hoàng mai đẹp; không gian triển lãm, trưng bày; không gian giao lưu và trao đổi; không gian đấu giá. Tại Lễ hội lần này, người dân và du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng gần 400 tác phẩm đặc sắc nhất của các nghệ nhân, nhà vườn là thành viên Hội Hoàng mai Huế cũng như các địa phương có phong trào trồng mai phát triển.
Linh vật Xuân Quý Mão được trang trí ở bờ sông Hương để người dân và du khách tham quan - Ảnh: VGP/Lê Hoàng
Dịp Tết Nguyên đán 2023, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng sẽ tổ chức mở cửa miễn vé đón nhân dân tham quan di tích từ ngày 22 đến hết ngày 24 tháng 1 (Mồng 1 - 3 Tết).
Thế Phong