(Chinhphu.vn) - Câu chuyện bảo tàng vì sao vắng khách tuy không mới nhưng luôn nhận được sự quan tâm của các nhà chuyên môn bởi bảo tàng có vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa cũng như góp phần phát triển ngành công nghiệp văn hóa.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, thiếu đầu tư cơ bản và thường xuyên là nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến các bảo tàng tại Việt Nam một thời gian dài ở trong tình trạng "vắng như chùa bà đanh".
Có thời gian dài, nhiều bảo tàng, di tích ở Việt Nam hoạt động cầm chừng, thiếu vắng khách thăm quan, theo bà nguyên nhân do đâu?
TS. Lê Thị Minh Lý: Bảo tàng di tích vắng khách bởi vì chưa hấp dẫn. Chưa hấp dẫn bởi vì thiếu đầu tư. Thiếu đầu tư thì không thể luôn mới, đẹp và sinh động. Thiếu đầu tư thì thiếu nghiên cứu. Thiếu nghiên cứu thì thiếu sáng kiến. Thiếu sáng kiến thì thiếu hoạt động. Thiếu hoạt động thì bảo tàng, di tích vắng khách. Thiếu đầu tư cơ bản và thường xuyên là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Muốn có các thiết chế văn hoá tạo ra ngành công nghiệp văn hoá thì phải đầu tư cho xứng đáng mới hoạt động được.
Theo bà các bảo tàng, di tích cần có những đổi mới như thế nào để thích ứng với thời cuộc, thu hút du khách và góp phần giới thiệu rộng rãi cho khách tham quan hiểu hơn và yêu thích lịch sử, văn hóa Việt Nam?
TS. Lê Thị Minh Lý: "Một người lo bằng một kho người làm". Cha ông ta truyền bảo như vậy. "Lo" ở đây chính là công tác quản lý các thiết chế văn hoá. "Người lo" phải là người có năng lực quản lý nói chung và năng lực nghề nghiệp nói riêng. "Người lo" là người phải nắm được chức năng nhiệm vụ của thiết chế, nắm được di sản mà mình được trao trách nhiệm quản lý; nắm vững chủ trương, đường lối phát triển văn hoá của quốc gia; nhạy bén với những vấn đề xã hội đang quan tâm để xây dựng chính sách, kế hoạch phát triển bảo tàng và di tích; có năng lực tổ chức và điều hành bộ máy của mình thực hiện chiến lược đó.
Để đổi mới cần đánh giá khách quan và nghiêm túc những mặt yếu của mình, những khoảng cách trong khâu quản lý và đề xuất những biện pháp thiết thực để từng bước giải quyết. Quan trọng nhất là phải hiểu vấn đề của chính mình, có tư duy đổi mới để hành động.
Trước hết phải xây dựng chiến lược có tầm nhìn xa, đúng; có lộ trình và giải pháp cho từng giai đoạn, công việc. Nếu không có chiến lược đúng thì "đổi mới" không từ gốc, thiếu bền vững và có khi chưa chắc đã đúng.
Ví dụ: Chưa làm tốt việc phát huy bảo tàng thật mà chỉ nghĩ tới công nghệ như một xu thế thời thượng, áp dụng một cách chưa "chín" thì đôi khi lại triệt tiêu mất cơ hội vốn là thế mạnh của bảo tàng đó là trực quan và cảm xúc từ những di sản gốc, có hồn.
Ngày càng có nhiều bảo tàng, di tích làm "sống lại" các câu chuyện cũ bằng cách kể thành những câu chuyện với hình thức mới, theo bà hình thức này sẽ mang lại cho các bảo tàng, di tích sự hấp dẫn như thế nào, thưa bà?
TS. Lê Thị Minh Lý: Đó là phương pháp kết nối lịch sử với cuộc sống đương đại. Đó là sự phát triển bền vững là nhiệm vụ mà các bảo tàng và di tích phải làm cho được. Muốn kể câu chuyện lịch sử một cách sống động, cảm xúc và có ý nghĩa thực tiễn ta lại phải trở lại nhiệm vụ đầu tiên đó là nghiên cứu, kết nối và sáng tạo.
Cần nghiên cứu đầy đủ, toàn diện và sâu sắc sưu tập, di tích, di sản phi vật thể, ký ức. Cần nhận diện rõ các giá trị, ý nghĩa, thông điệp của di sản và kết nối với nhu cầu, thị hiếu của xã hội của công chúng rồi căn cứ vào nhiệm vụ của mình để sáng tạo ra các hoạt động phù hợp và hữu ích.
Giáo dục ở bảo tàng và di tích là một tiềm năng đem đến sức sống của di sản. Ví dụ phòng giáo dục Truyền thông Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội đã nghiên cứu giá trị di sản của cha ông và tích hợp với yêu cầu kiến thức và kỹ năng của học sinh tiểu học, Trung học cơ sở để xây dựng thành công trên 30 "câu chuyện cũ" được kể với "hình thức mới".
Đó chính là các chương trình giáo dục di sản đang được thực hiện thường xuyên và rất nhiều trường tham gia. Mãnh hổ hạ sơn, Lớp học xưa, Khám phá kiến trúc cổ, Đánh giá môi trường di tích, Vinh quy bái tổ, Khám phá bia Tiến sĩ, Sách và mộc bản, Ơ kìa con nghê, Đi tìm linh vật trên các công trình kiến trúc cổ, Tìm hiểu về thầy giáo Chu Văn An qua ô chữ kỳ diệu, Em làm giám sinh, Mật mã danh nhân, Học chữ Hán qua tên gọi các công trình kiến trúc cổ,….
Mỗi chủ đề là một bài học về di sản sinh động và mang nhiều ý nghĩa. Có ai bảo rằng đó là những câu chuyện cũ đâu?
Hiện nay về số lượng, nguồn nhân lực bảo tàng hiện chưa thể đáp ứng được hết yêu cầu phát triển. Về chất lượng cũng đang thiếu những người có trình độ chuyên môn sâu. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào, thưa bà?
TS. Lê Thị Minh Lý: Số người thì không thể gọi là thiếu. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Thà ít mà tốt". Vấn đề là ở chỗ đào tạo như thế nào? Cơ hội nâng cao năng lực trong thực hành ra sao? Chế độ lương bổng như thế nào để bảo tàng, di tích ngày càng có nhiều "người lo" xứng tầm, người làm cũng xứng tầm với nhiệm vụ của các thiết chế văn hoá đang giữ gìn và phát huy giá trị di sản của Tổ tiên, của quốc gia góp phần vào phát triển bền vững?.
Trân trọng cảm ơn bà!
- HẾT -
Diệp Anh - Dương Tuấn