(Chinhphu.vn) - Bảo tàng, di tích là nơi chúng ta có thể biết được nhiều điều nhất, học được nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất. Nhưng trên thực tế, trong khoảng thời gian dài, bảo tàng ở nước ta lại chưa thu hút được người xem...
Trong khoảng thời gian dài trước đây, tình trạng vắng khách diễn ra ở hầu hết các bảo tàng, di tích nói chung tại Việt Nam. Không chỉ đối với khách du lịch quốc tế, mà ngay cả người dân trong nước cũng không mấy mặn mà tham quan các bảo tàng. Có những bảo tàng hệ thống trưng bày như cách đây 20-30 năm, không có gì thay đổi, nghèo nàn và nhàm chán.
Bảo tàng là nơi chúng ta có thể biết được nhiều điều nhất, học được nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất. Nhưng trên thực tế, ở nước ta, bảo tàng lại không thu hút được người xem, đặc biệt là giới trẻ. Đến với bảo tàng, di tích chủ yếu là khách nước ngoài muốn tìm hiểu về đất nước và con người Việt Nam, hoặc học sinh, sinh viên - những người đang cần nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực bảo tàng học.
Hệ thống bảo tàng ở Việt Nam rất phong phú và đa dạng. Hiện nay, cả nước có hơn 160 bảo tàng, trong đó có 4 bảo tàng quốc gia với hơn 3 triệu hiện vật. Nhưng, từ lâu, bảo tàng, di tích ít thu hút khách tham hơn so với các địa điểm vui chơi khác. Đặc biệt khi các công viên, khu vui chơi giải trí lớn, hiện đại, các trung tâm thương mại… ngày càng được xây dựng nhiều, sẽ là sự lựa chọn ưu tiên hơn so với bảo tàng, di tích, bởi trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn hơn.
Trong khi đó, ở rất nhiều nước trên thế giới, bảo tàng luôn là điểm dừng chân không thể thiếu của du khách trong mỗi hành trình của mình. Du khách chọn bảo tàng là điểm đến, bởi ở đó họ có thể hiểu được một cách tổng quát lịch sử, văn hóa, con người… vùng đất họ đang đặt chân đến. Những bảo tàng như: Louvre (Pháp), State Hermitage (Saint Petersburg), Bảo tàng Anh quốc, Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan (Hoa Kỳ), Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc… đón hàng triệu lượt khách tham quan mỗi năm.
Vì sao các bảo tàng trên thế giới lại thu hút đông đảo du khách như vậy? Làm thế nào để thu hút công chúng đến với các bảo tàng ở Việt Nam? Làm thế nào để bảo tàng khẳng định vai trò cần thiết không thể thiếu trong hệ thống các thiết chế văn hoá giáo dục của xã hội? Đó vẫn là những câu hỏi đặt ra cho các nhà quản lý, nhà chuyên môn, các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tàng, các cán bộ làm công tác bảo tàng…
Thực tế, trong Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam tới năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030, du lịch văn hóa được đặt mục tiêu phát triển trở thành một trong những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng. Trong Chiến lược, một trong những giải pháp đặt ra là phát triển du lịch văn hóa có gắn với bảo tàng.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Đề án Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch (ban hành kèm theo Quyết định số 4788/QĐ-BVHTTDL ngày 24/12/2018). Trong đó, nêu rõ mục tiêu của Đề án là tạo sự chuyển biến căn bản cả về nhận thức và hành động trong quá trình tổ chức hoạt động để các bảo tàng bắt kịp với xu thế phát triển của xã hội, thực sự trở thành trung tâm giáo dục thường xuyên về truyền thống yêu nước, tinh thần dũng cảm kiên cường đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, ý thức giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc; là lựa chọn ưu tiên trong những hình thức khám phá, vui chơi giải trí, đủ sức hấp dẫn, thu hút đông đảo công chúng, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và phát triển du lịch.
Và hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, để thu hút được khách tham quan thì trước hết phải thay đổi nhận thức, tư duy trước hết ở những người làm trong lĩnh vực bảo tàng.
Trong cuộc trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng, bảo tàng phải thay đổi, phải khác đi. Sự thay đổi đó không chỉ ở những người làm bảo tàng, mà phải từ cấp quản lý lãnh đạo, cần sự quan tâm đến công tác bảo tàng nhiều hơn nữa.
Nếu nghĩ bảo tàng làm thế nào cũng được, địa phương nào cũng có bảo tàng là được thì sẽ không thể làm được. Nhiều lãnh đạo bảo tàng muốn đổi mới, nhưng không thể thực hiện được do nhiều yếu tố còn kìm hãm.
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, các bảo tàng của chúng ta thiếu vắng khách trong một thời gian dài có nhiều lý do, nhưng lý do chính vẫn là chất lượng trưng bày chưa tốt, không đạt độ hấp dẫn. Làm bảo tàng vừa là khoa học vừa là nghệ thuật và công nghệ. Phải coi mỗi trưng bày ở bảo tàng như là một tác phẩm khoa học, nghệ thuật, phải tạo sự hấp dẫn, gây xúc động lòng người. Bảo tàng là một sản phẩm trí tuệ. Tuy nhiên, hầu hết là chưa hay, chưa đạt được sức lôi cuốn người xem. Trong đó chưa đưa ra được chủ đề hấp dẫn trong khi chủ đề rất quan trọng.
"Các bảo tàng cứ đi theo lối mòn, không phá cách được, không làm thế nào đổi mới. Các chủ đề mang tính chính trị, nhân ngày kỷ niệm nào cũng có trưng bày, nhưng hình thức trưng bày đều giống nhau. Để có được trưng bày cần phải chuẩn bị trước đó hàng năm, phải đầu tư công sức, chất xám để sáng tạo các chủ đề. Mỗi lần đến xem phải thấy được điểm mới trong cách thể hiện, thấy được tư tưởng mới và đóng góp mới của sự kiện đó, đóng góp của con người vào sự kiện đó. Nếu cứ giống nhau "đến hẹn lại lên" như vậy thì không thể thu hút người xem", PGS.TS. Nguyễn Văn Huy chỉ rõ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Huy cho rằng, nhiều khi có tiền mà không biết xây dựng bảo tàng như thế nào cho đạt hiệu quả, có những bảo tàng được đầu tư nghìn tỷ đồng nhưng trưng bày không tốt, không thấy được sự chuyên nghiệp của bảo tàng. Bảo tàng là sự chuyên nghiệp không phải ai cũng làm được, phải nhận thức được sự chuyên nghiệp đó, tôn trọng và đẩy nó lên.
"Chúng ta xây dựng bảo tàng đẹp, nhưng khi làm nội dung lại nhờ mỗi nơi một tý thì không thể làm được. Chúng ta đang vấp phải những bài học như vậy. Không hiểu được làm bảo tàng là nghề rất chuyên nghiệp, đa nghề đa lĩnh vực, vừa khoa học vừa nghệ thuật, vừa công nghệ, thì sẽ không bứt phá được", PGS.TS. Nguyễn Văn Huy nói.
Ông Nguyễn Văn Huy thẳng thắn chỉ ra rằng, nếu chọn người đầu tư mà không biết làm bảo tàng thì không thể xây dựng được bảo tàng chất lượng, cũng giống như khi làm nội dung trưng bày, người có chuyên môn lại không được làm mà do người trúng thầu làm.
Chính vì thế, nội dung trưng bày luôn là yếu tố quan trọng để bảo tàng thu hút công chúng. Đơn cử như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, những năm gần đây đã đầu tư cho công tác nghiên cứu, xây dựng, tổ chức những cuộc trưng bày chuyên đề. Mỗi năm, Bảo tàng thường tổ chức từ 4 đến 6 cuộc trưng bày chuyên đề nhân các sự kiện trọng đại, các ngày lễ lớn của đất nước. Đây là những trưng bày được chắt lọc, lựa chọn hiện vật có giá trị, những sưu tập cổ vật đặc sắc quý hiếm, những vấn đề lịch sử chuyên sâu mà hệ thống trưng bày cố định chưa thể hiện một cách toàn diện, sâu sắc. Trong các trưng bày chuyên đề này, phương tiện, thiết bị trưng bày, như tủ, bục, ánh sáng, màn hình media… được đầu tư mới, kết hợp với các giải pháp trưng bày mới, hiện đại, thiết kế trưng bày hấp dẫn… Hiệu quả của các trưng bày chuyên đề đã giúp cho Bảo tàng luôn "mới", sống động và hấp dẫn, thu hút sự trở lại của công chúng đã từng đến tham quan.
Có thể kể đến một số trưng bày chuyên đề được thực hiện gần đây như: "Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ các nền văn hóa", "Việt Bắc - Thủ đô gió ngàn", "Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam"… Không chỉ đổi mới với các giải pháp ứng dụng công nghệ, thiết kế trưng bày, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia còn tiếp cận quan điểm bảo tàng học mới trong việc lựa chọn, thể hiện, cách thức chuyển tải nội dung trưng bày một cách gần gũi, dễ hiểu.
Thành công nhất phải kể đến trưng bày "Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ các nền văn hóa". Lần đầu tiên, qua một di tích cụ thể, với rất nhiều câu chuyện của khảo cổ học, tưởng như rất hàn lâm và khô cứng, nhưng qua ý tưởng và cách thể hiện trưng bày đã phổ thông hóa những kiến thức hàn lâm để đưa tới người xem một trưng bày dễ gần và dễ hiểu với mọi lứa tuổi, kích thích hứng thú tìm tòi, khám phá và trải nghiệm.
Đề cập đến vấn đề đã có thời kỳ các bảo tàng hoạt động cầm chừng, thiếu vắng khách tham quan, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh cũng cho rằng có những yếu tố chủ quan và khách quan lý giải cho vấn đề này.
Ông Nguyễn Anh Minh cho biết, trước đây, các bảo tàng đều được Nhà nước đảm bảo kinh phí để thực hiện chức năng nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Tuy nhiên, kinh phí dành cho các hoạt động bảo tàng luôn rất eo hẹp. Bảo tàng lúc đó chú trọng tới bảo tồn, đề cao tính "hàn lâm" trong trưng bày mà chưa thực sự quan tâm tới nhu cầu và trải nghiệm của người xem. Do đó, nội dung hoạt động của bảo tàng còn nghèo nàn, không phong phú và thiếu sự hấp dẫn đối với khách tham quan. Thêm vào đó, phương tiện truyền thông, quảng bá về bảo tàng còn hạn chế, nên thực sự tỉ lệ người dân biết đến bảo tàng và hoạt động của bảo tàng không nhiều.
Ở chiều ngược lại, theo ông Nguyễn Anh Minh, việc tham quan bảo tàng còn chưa trở thành thói quen, thành nhu cầu đối với công chúng Việt Nam. Do đó, tình trạng người dân đổ xô đến các trung tâm thương mại dịp cuối tuần, trong khi bảo tàng vắng khách là điều không hiếm.
Vì vậy, theo ông Nguyễn Anh Minh, cùng với sự phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đã mang lại nhiều đổi thay trong xã hội nói chung và với các bảo tàng nói riêng. Bảo tàng ngày nay đang đứng trước những vận hội và thách thức chưa từng có. Công chúng tiềm năng của bảo tàng là những thế hệ gen Y, gen Z, là những công dân toàn cầu với nền tảng tri thức được bồi đắp, với kỹ năng công nghệ thành thục và những am hiểu về giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, giá trị bản thân… Nhận thức về bảo tàng của công chúng đã thay đổi, đồng thời nhu cầu/yêu cầu của công chúng đối với bảo tàng cũng ngày càng cao.
Hơn nữa, về cơ chế, trong bối cảnh kinh tế thị trường, các bảo tàng không còn được Nhà nước "bao cấp" hoàn toàn nữa mà phải chủ động một phần hoặc hoàn toàn kinh phí. Trước những thực tế đó, bảo tàng bắt buộc phải đổi mới về cách nghĩ, cách làm để tồn tại và phát triển trong bối cảnh mới. (còn nữa)
Diệp Anh - Dương Tuấn