(Chinhphu.vn) - Nhu cầu vui chơi giải trí, trải nghiệm văn hóa địa phương luôn là nhu cầu bức thiết của người dân và du khách. Ngày càng có nhiều địa điểm vui chơi giải trí được đầu tư, mở rộng trong đó có phố đi bộ. Tuy nhiên không phải phố đi bộ nào cũng là địa điểm thu hút được du khách.
Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận hoạt động chính thức từ ngày 1/1/2020. Ngày 31/12/2020, UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục triển khai mở rộng không gian đi bộ phía nam khu phố cổ kết nối phía bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm; tạo thành một chỉnh thể hoàn chỉnh, đáp ứng được nhu cầu của đông đảo người dân và du khách đến tham quan và mua sắm, ẩm thực.
Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm là địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch, nhất là vào những dịp cuối tuần. Sau nhiều năm đưa vào hoạt động, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm đã được coi là thương hiệu của Thủ đô. Bên cạnh là địa điểm gắn liền với nhiều di tích lịch sử, phố đi bộ cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa thể thao quan trọng của Hà Nội và đất nước.
Theo UBND quận Hoàn Kiếm, từ khi đi vào hoạt động chính thức đến nay, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến tham quan và tham gia hơn 300 sự kiện của các đơn vị; các tỉnh, thành phố; các đại sứ quán (trung bình ban ngày có khoảng 3.000 người đến 5.000 người, buổi tối khoảng 1,5 đến 2 vạn người).
Lượng khách quốc tế lưu trú trên địa bàn quận Hoàn Kiếm tăng nhanh. Năm 2021 số người nước ngoài lưu trú trên địa bàn quận là 33.902 người; năm 2022 là 323.140 lượt khách; quý I năm 2023 là 379.650 lượt. Số lượng cửa hàng kinh doanh chuyển sang các hoạt động dịch vụ du lịch tăng, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận Hoàn Kiếm năm sau cao hơn năm trước, tổng thu ngân sách đạt 14.755 tỷ năm 2022, 06 tháng đầu năm 2023 đã thu được 9.482 tỷ và ước thu cả năm 2023 là hơn 15.000 tỷ đồng.
Từ những thành công ban đầu của không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, khu phố cổ Hà Nội (Hàng Đào - Đồng Xuân, khu bảo tồn cấp 1 phố cổ Hà Nội, khu vực mở rộng phía nam khu phố cổ Hà Nội), thành phố Hà Nội đã hoàn thành 4 không gian, tuyến phố đi bộ: Phố đi bộ Trịnh Công Sơn; không gian đi bộ xung quanh Thành cổ Sơn Tây; không gian đi bộ - văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận, vườn hoa, đường dạo quanh hồ Thiền Quang; khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc - Ngũ Xã.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, quận Ba Đình đang hoàn thiện đề án khu phố kinh doanh dịch vụ - đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh, phường Ngọc Khánh. Diện tích nghiên cứu khoảng 12 ha, bao gồm cả 36.000 m2 mặt nước hồ Ngọc Khánh, vườn hoa phía đường Nguyễn Chí Thanh hơn 3.800 m2. Dự kiến phố đi bộ hồ Ngọc Khánh khai trương vào cuối năm nay. Tuyến phố văn hóa, ẩm thực Tống Duy Tân - ngõ Hàng Bông, Khu đô thị Nam đường vành đai 3 – Bitexco cũng đang được đẩy nhanh tiến độ.
Năm 2023 quận Đống Đa tổ chức lập đề án triển khai tuyến phố ẩm thực Nguyễn Văn Tuyết; xây dựng không gian văn hóa, phố đi bộ Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Năm 2024, quận triển khai tuyến phố đi bộ Hoàng Cầu - Hào Nam, kết hợp không gian đi bộ hồ Hoàng Cầu, ga Cát Linh - Hà Đông. Như vậy trong thời gian tới, Hà Nội dự kiến sẽ có thêm 05 tuyến phố đi bộ mới.
Theo ông Trần Trung Hiếu, việc phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, Trịnh Công Sơn và Thành cổ Sơn Tây đi vào hoạt động đã trở thành nơi quảng bá văn hóa, du lịch hữu ích, làm cơ sở để mở thêm các tuyến phố đi bộ mới của Hà Nội.
"Tuy nhiên không phải tuyến phố nào cũng đạt hiệu quả như nhau, do đặc trưng từng tuyến phố và vấn đề tổ chức hoạt động tại các không gian đi bộ. Điều này đã dẫn đến còn có ý kiến khác khi các địa phương có kế hoạch mở thêm các tuyến phố đi bộ trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động thực tế, những bất cập khi triển khai phố đi bộ", ông Trần Trung Hiếu nói.
Thực tế đúng như vậy, khi một số tuyến phố đi bộ không mang lại hiệu quả như mong đợi, không thu hút được khách du lịch và chưa trở thành không gian văn hóa đặc trưng.
Là không gian đi bộ thứ hai của thành phố Hà Nội, phố đi bộ Trịnh Công Sơn khi mở ra cũng được kỳ vọng sẽ là địa điểm văn hóa thu hút đông đảo người dân và du khách bởi có địa điểm thuận lợi gần Hồ Tây, không gian đẹp để trở thành không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ nói riêng và của Hà Nội nói chung. Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào hoạt động, phố đi bộ Trịnh Công Sơn không đạt được hiệu quả như mong muốn mặc dù UBND quận Tây Hồ đã đầu tư chỉnh trang cơ sở vật chất, tạo các điểm nhấn để thu hút người dân đến tham quan nhưng phố đi bộ này vẫn khá vắng vẻ, không có các hoạt động văn hóa sôi nổi, lượng người đến trải nghiệm không gian, dịch vụ không cao.
Trở lại không gian đi bộ tại khu phố cổ Hà Nội (Hàng Đào - Đồng Xuân, khu bảo tồn cấp 1 phố cổ Hà Nội, khu vực mở rộng phía nam khu phố cổ Hà Nội), nơi đây gần như trở thành những khu chợ, kinh doanh thương mại với đủ loại mặt hàng từ quần áo, giày dép, kính, mũ, đồ chơi, trang sức mĩ ký… các quầy hàng ăn nhanh như xúc xích nướng, thịt xiên, trà chanh… Tuy nhiên rất khó để tìm thấy được những mặt hàng truyền thống mang bản sắc của Hà Nội hay của Việt Nam.
Thêm vào đó là tình trạng lộn xộn, mất vệ sinh khi các hàng quán mở ra tràn lan, xả rác bừa bãi. Chị Trần Linh (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: Tôi dẫn những người bạn từ Đức về Việt Nam chơi và đưa các bạn đến không gian đi bộ tại phố cổ Hà Nội. Tuy nhiên tôi không biết phải giới thiệu với các bạn như thế nào khi ở đây rất ít các hoạt động văn hóa đặc sắc và rất ít các đồ lưu niệm đặc trưng ngoài quần áo, giày dép giá rẻ… nhập từ nước khác.
Đồng quan điểm với chị Linh, chị Thùy Trang (quận Hà Đông) cho biết, chị đưa con lên phố đi bộ chơi nhưng ngoài tô tượng thì rất ít các hoạt động văn hóa khác để gia đình có thể trải nghiệm và để các con có thể tìm hiểu thêm về văn hóa Việt Nam.
Hiện nay, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng có hai tuyến phố đi bộ, đó là phố đi bộ Nguyễn Huệ và phố đêm Bùi Viện đều ở trung tâm Quận 1. Tại đây vào dịp cuối tuần đã thu hút hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, phố đi bộ tại TP. Hồ Chí Minh vẫn còn tồn tại nhiều nhược điểm như tình trạng hàng rong, đỗ xe lấn chiếm lòng, lề đường.
Bà Đào Anh Thư, đại diện Công ty Du lịch Discova Việt Nam (tại TPHCM) cho biết, TPHCM là địa phương được đánh giá có ngành du lịch phát triển. Phố đi bộ Nguyễn Huệ và phố đêm Bùi Viện nằm ở vị trí trung tâm, nơi có những công trình văn hóa và lịch sử quan trọng như: Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trụ sở UBND Thành phố, Nhà hát lớn Thành phố,… Đúng ra, một vị trí ý nghĩa như vậy, các hoạt động diễn ra phải được tổ chức chặt chẽ, văn minh, nhưng trên thực tế tuyến phố này đang vận hành chưa thực sự phù hợp. Hiện ở đây có rất ít hoạt động văn hóa, giải trí đậm bản sắc mà chủ yếu là nơi để người dân đi dạo về đêm, nơi bán hàng rong,…
Phố đi bộ còn thiếu gì để thực sự đáp ứng được nhu cầu vui chơi giải trí, trải nghiệm văn hóa địa phương của người dân và du khách? Nơi mà bất kỳ thành phố nào cũng đều mong muốn có một không gian công cộng như phố đi bộ và được đầu tư bài bản, là nơi để thể hiện bản sắc văn hóa, những nét đặc trưng riêng để du khách cảm nhận, thưởng thức và lưu lại những ký ức đẹp về nơi mình đã đến.
Diệp Anh Minh-Tuấn Hùng
Bài 2: Phố đi bộ còn thiếu gì?